Sai phạm nhỏ không ngăn chặn dần sẽ thành sai phạm lớn, tội phạm không những giảm mà còn tăng thì nguy cơ bùng phát một loại tội phạm không mới, do sai lầm của nhà làm luật
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Đáng chú ý, dự thảo đã điều chỉnh mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu thuộc 4 nhóm tội danh: đánh bạc, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản là từ 2 triệu đồng hiện hành lên 5 triệu đồng. Việc điều chỉnh hay không trong việc này là rất cần cân nhắc.
Chế tài chưa đủ mạnh
Hiện nay, tình hình an ninh trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, một phần do những vi phạm có dấu hiệu tội phạm diễn ra ngày càng nhiều nhưng không đủ căn cứ để xử lý hình sự, một phần vì các quy định pháp luật hiện hành chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn và răn đe những hành vi này. Từ đó dẫn đến sự bức xúc trong một bộ phận người dân, dẫn đến nhiều hành vi tự phát trong một số trường hợp nhằm chống trả tội phạm, chẳng hạn đánh chết đối tượng trộm cắp.
Để nâng mức định lượng tối thiểu giá trị tài sản phạm tội lên 5 triệu đồng, cần nghiên cứu thật kỹ về tình trạng tội phạm và sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, tình trạng trộm cắp vặt hiện xảy ra rất nhiều; bọn tội phạm thường nhắm tới các loại tài sản, vật nuôi giá trị thấp, dễ tiêu thụ hoặc dễ bán lấy tiền để tiêu xài. Việc tăng định mức tối thiểu có thể làm cho bọn tội phạm lợi dụng và xem thường pháp luật, từ đó làm gia tăng thêm hành vi vi phạm pháp luật, tạo diễn biến xấu cho an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Mặt khác, từ những vi phạm tưởng chừng nhỏ và đơn giản như vậy, nếu không được ngăn chặn rất dễ dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, như: giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… mà ta không thể lường trước được. Nhiều người dân vốn không có ý thức phạm tội nhưng chỉ do bức xúc nhất thời vì nạn trộm cắp vặt (trộm chó, gà, xe đạp...) mà ra tay đánh trả quá mức phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, khi bắt được kẻ trộm cắp giao công an thì chúng cũng chỉ bị phạt vi phạm hành chính, vì tài sản trộm cắp giá trị dưới 2 triệu đồng; sau đó, các đối tượng này vẫn quay lại trộm cắp tiếp. Chính vì vậy, người dân bức xúc và hùa nhau đánh chết kẻ trộm khi bọn chúng có hành vi chống trả, khiến người bắt trộm lâm vào vòng lao lý.
Mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự càng cao thì càng khó ngăn chặn trộm chó và ăn cắp vặt. Trong ảnh: Đưa thi thể của đối tượng bị người dân đánh chết trong một vụ trộm chó tại tỉnh Thanh Hóa về mai tángẢnh: Thanh Tuấn
Điển hình là vụ nhiều người dân ở làng Nhĩ Trung, tỉnh Quảng Trị bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” vì đánh chết 2 tên trộm chó vào năm 2012. Tới năm 2014, vụ án này mới xử xong vì có hàng trăm người dân cùng nhận tội. Hay như vụ cả làng Danh Thượng, tỉnh Bắc Giang đánh chết 2 “cẩu tặc” vào năm 2013, khi công an xử lý thì có tới hơn 800 người dân cùng nhận tội.
Ngược lại, có trường hợp đối tượng trộm cắp vặt vì muốn tẩu thoát nên chống trả, gây ra cái chết cho người dân khi họ rượt đuổi. Đơn cử vụ trộm chó tại huyện Củ Chi, TP HCM ngày 14-6-2014, các đối tượng dùng kích điện gây tai nạn dẫn đến cái chết của 3 thanh niên khi họ bám đuổi và truy bắt... Mục đích ban đầu của bọn chúng là trộm cắp vặt nhưng khi bị người dân đuổi bắt, các đối tượng này có hành động chống trả, gây ra cái chết thương tâm cho nhiều nạn nhân.
Vì thế, trộm cắp vặt không chỉ đơn giản là trộm tài sản mà còn gây ra nhiều hệ lụy không ngờ.
Không phù hợp tình hình
Việc sửa đổi đã nêu không phù hợp còn bởi hiện nay, rất nhiều hộ nghèo, khó khăn, tài sản chỉ có thể là chiếc xe đạp hay đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi... giá trị nhỏ. Nếu tăng mức tối thiểu lên 5 triệu đồng sẽ dẫn đến sự hoang mang cho người dân, vì bọn trộm cắp sẽ luôn rình rập xung quanh họ mà pháp luật không có chế tài trừng trị.
Nếu chúng ta thật sự nhận thấy tội phạm trộm cắp ngày nay có sự chuyển biến giảm, các loại tài sản của người dân mà chúng nhắm tới có giá trị cao hơn thì mới cần sửa đổi. Nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay, việc nâng mức định lượng này không chỉ đơn thuần dựa vào tài sản mà còn phải dựa vào cấu thành hành vi phạm tội, mức độ nguy hiểm của hành vi đó đối với xã hội cùng thực trạng loại tội phạm đó thay đổi và ít nguy hiểm hơn cho xã hội thì mới có cơ sở áp dụng.
Sai phạm nhỏ không ngăn chặn và trừng trị thích đáng thì dần sẽ trở thành sai phạm lớn, tội phạm không những giảm mà còn gia tăng thì nguy cơ sẽ bùng phát một loại tội phạm không mới, do sự sai lầm của nhà làm luật trong việc vội vã điều chỉnh quy định không phù hợp. Như thế thì thật nguy hiểm.
Đại tá Trần Sỹ Phàng - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An:
Bất hợp lý!
Theo tôi, đối với các hành vi chiếm đoạt tài sản, mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự như hiện nay là hợp lý, nâng lên mức 5 triệu đồng thì rất khó cho ngành công an trong việc xử lý và về lâu dài, các loại tội phạm chiếm đoạt tài sản sẽ gia tăng.
Thực tế, ở mức 2 triệu đồng, để xử lý các hành vi chiếm đoạt tài sản đã khó. Rất nhiều vụ chúng tôi bắt các đối tượng trộm chó nhưng sau đó chỉ phạt rồi thả ra vì tài sản không đến 2 triệu đồng. Giờ nếu nâng lên 5 triệu đồng thì sẽ càng khó xử lý, loại tội phạm này rất dễ gia tăng. Chiếc xe máy là tài sản có giá trị đối với rất nhiều người dân nhưng khi định giá, nhiều xe không đến 5 triệu đồng. Chiếm đoạt xe máy của người khác mà không khởi tố hình sự là vô lý.
Riêng hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc thì nâng lên mức 5 triệu đồng mới khởi tố hình sự là hợp lý.
Đ.Ngọc ghi
Có thể tạo diễn biến xấu
Theo ông Lương Xuân Bá, cán bộ pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, dù lương tối thiểu cũng như vật giá đã tăng so với năm 2009 nhưng tăng vọt mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự lên 5 triệu đồng là không hợp lý, bởi sẽ vô tình để lọt rất nhiều tội phạm từ nạn trộm cắp vặt, trong khi tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp. Nếu vẫn phải tăng thì chỉ lên mức 3 triệu đồng là vừa.
Ông Trần Minh Thanh, cán bộ ngành tòa án của TP Đà Nẵng, cho rằng chưa cần thiết phải tăng lên mức 5 triệu đồng, bởi kẻ trộm chỉ cần lấy tài sản trị giá 4,9 triệu đồng thì đã không thể xử lý hình sự được. 4,9 triệu đồng đối với dân quê ở nhiều nơi là rất lớn, là gây hậu quả nghiêm trọng. Tăng định mức tối thiểu có thể làm gia tăng vi phạm pháp luật, tạo diễn biến xấu đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, nên giữ nguyên mức 2 triệu đồng như hiện nay.
H.Dũng
Nên giữ mức 2 triệu đồng
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đề nghị cần có nghiên cứu thấu đáo bởi tình hình thực tế Việt Nam hiện nay rất khác. Cần phân định, chia nhóm tội cụ thể hơn tùy theo từng đặc điểm, tính chất sự việc, bởi một con chó ngoại, chim cảnh có thể có giá cả trăm triệu đồng hay bóng đèn một chiếc ô tô hạng sang có giá hàng chục triệu đồng. Vì vậy, các tội cần quy định rõ gắn với mức định lượng.
PGS-TS Dương Tuyết Miên, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng việc Bộ Tư pháp đưa ra mức định lượng 500.000 đồng, sau nâng lên 2 triệu đồng và nay đề xuất 5 triệu đồng là căn cứ vào giá trị tương đương 1 chỉ vàng, trước đó nữa là thóc rồi đến gạo. Nói về nạn trộm chó, theo bà Miên, từ việc chính quyền buông lỏng, làm ngơ trước sự bức xúc, mất mát tài sản của người dân nhiều lần nên người dân chọn cách tự xử. “Con chó dù có giá đến tiền triệu nhưng sao bằng mạng người được? Nếu định mức có giảm xuống 1 triệu đồng, thậm chí thấp hơn, thì người dân vẫn tiếp tục đánh chết đối tượng trộm chó vì hàng loạt
nguyên nhân” - bà nhận xét.
Trong khi đó, ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng mức định lượng chịu trách nhiệm hình sự được nâng từ 2 triệu lên 5 triệu đồng là chưa thuyết phục. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, băn khoăn: “Trước đây, quy định mức 500.000 đồng rồi nâng lên 2 triệu, nay là 5 triệu đồng. Chính vì mức 2 triệu đồng mà không xử được trộm chó, rồi trộm cắp vặt liên tục hay trộm cả chuồng gà. Đề nghị giữ mức 2 triệu đồng, nâng lên 5 triệu đồng là tương đối khó”.
Th.Dũng
Luật sư Phạm Hoài Nam (Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn)