Thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số hàng hóa, dịch vụ (trừ chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản) được giảm 2% thêm 6 tháng.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số hàng hóa, dịch vụ (trừ chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản) được giảm 2% thêm 6 tháng.
Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, với gần 95% đại biểu tán thành. Trong đó, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành, tới hết năm nay.
Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng, theo các chuyên gia.
Việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, ngân sách ước tính giảm gần 47.500 tỷ đồng cả năm.
Quốc hội Giao Chính phủ đảm bảo nguồn thu để không ảnh hưởng đến dự toán, các khoản chi, bội chi ngân sách và nhu cầu cấp bách phát sinh, khi giảm tiếp thuế này.
Cũng theo Nghị quyết kỳ họp 7, Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của hãng hàng không quốc gia, để khắc phục khó khăn trước mắt.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội).
Quốc hội yêu cầu Chính phủ xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong thực hiện cam kết về hiệu quả của việc gia hạn trả nợ khoản vay này. Chính phủ cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, sớm hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hãng hàng không này sớm phục hồi.
Trước đó, từ tháng 7 đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã sử dụng gói vay vốn 4.000 tỷ đồng này. Đây là giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19, cùng 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đến cuối năm ngoái, hãng thanh toán 220 tỷ đồng lãi vay cho các ngân hàng. Theo Nghị quyết 135 của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ dư nợ gốc từ tháng 7 đến tháng 12/2024.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Hãng cũng lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng.