Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Đề xuất bắt buộc công an ghi âm khi tra hỏi người bị bắt

14/3/2018 12:52
Khi bị hỏi cung, nghi can có quyền từ chối trả lời nếu không thấy thiết bị ghi âm.

Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng vừa ban hành dự thảo lần hai Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can; lấy lời khai người liên quan.

Dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, việc ghi âm, ghi hình phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu. Kết quả ghi âm được bảo quản theo quy định lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự.

Không được hỏi cung khi không ghi âm, ghi hình

Tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, việc ghi âm hỏi cung thực hiện theo trình tự như sau:

- Người hỏi cung phải đăng ký với cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hệ thống thiết bị tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan điều tra. Người hỏi cung không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở nơi giam giữ. Trước khi hỏi (với lần làm việc đầu tiên) phải thông báo cho bị can hoặc người liên quan biết và ghi vào biên bản làm việc.

- Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm thì không được hỏi cung; đang làm việc mà thiết bị gặp sự cố thì phải dừng ngay và ghi rõ lý do vào văn bản. Nếu người bị hỏi cung đồng ý, việc này vẫn được tiếp tục.

- Trong trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất… mà cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu ghi âm thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như hỏi cung bị can. Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật vẫn tiến hành làm việc bình thường và ghi rõ lý do vào biên bản.

Sử dụng ghi âm vào mục đích gì?

- Trong giai đoạn điều tra: Băng ghi âm sẽ được dùng đến khi bị can hoặc người có liên quan thay đổi lời khai. Việc này cũng đồng thời có ý nghĩa kiểm tra việc chấp hành pháp luật của điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai.

- Trong giai đoạn truy tố: Băng ghi âm dùng để xác định tính khách quan trong hỏi cung, lấy lời khai; để kiểm tra xem có dấu hiệu oan, sai, bức cung, nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra hay không.

- Trong quá trình xét xử: Hội đồng xét xử quyết định việc nghe lại ghi âm tại phiên tòa nếu muốn kiểm tra chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải kiểm tra công khai tại phiên tòa. Đây cũng được xem là chứng cứ khi bị cáo tố có bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung hoặc người này thay đổi lời khai; khi có đề nghị của những người tiến hành tố tụng.

Cấm phát tán nội dung ghi âm

Theo dự thảo, những hành vi sau bị cấm:

- Tự ý chỉnh sửa, hủy trái phép, làm sai lệch, hư hỏng, thất lạc dữ liệu ghi âm.

- Sao chép, phát tán, sử dụng kết quả ghi âm vì mục đích cá nhân làm lọt thông tin vụ án hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, công dân.

- Phá hủy cơ sở vật chất hoặc cố ý làm hư hỏng các trang thiết bị ghi âm hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện, thiết bị.

Phạm Dự

Các tin khác