Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư Việt Nam và một số giải pháp

23/4/2015 10:35
(VBF) - Trợ giúp pháp lý miễn phí là việc giúp đỡ pháp lý (tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện, bào chữa, kiến nghị) miễn phí của Nhà nước và xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật nhằm giải tỏa vướng mắc pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật để họ tự mình biết cách ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 
 
Phạm vi bài báo cáo tác giả chỉ đề cập đến hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư mà không đề cập đến hoạt động trợ giúp pháp lý của nhà nước thông qua hoạt động của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
 
1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư:
 
Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư xuất phát từ quy định nghĩa vụ của luật sư quy định tại Điểm d khoản 2 Điều 21 "thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí "Luật Luật sư 2006 có hiệu lực ngày 01/01/2007.
 
2. Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư  
 
2.1-Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí :
 
- Các Đoàn Luật sư
 
- Các tổ chức hành nghề luật sư.
 
- Các tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chíùnh trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức tư vấn pháp luật).
 
- Một số phương tiện thông tin đại chúng (Báo Saigon giải phóng; Báo Pháp luật TPHCM, báo người lao động...
 
2.2-Hình thức tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí :
 
a) Các hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí:
 
1. Tư vấn pháp luật:  Luật sư, thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
 
2. Tham gia tố tụng:
 
- Luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
 
- Luật sư tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
 
3. Đại diện ngoài tố tụng:
 
- Luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
 
- Việc đại diện ngoài tố tụng được thực hiện trong phạm vi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý.  
 
4. Các hình thức trợ giúp pháp lý khác: Luật sư thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc giúp đỡ họ hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
 
b) Các lĩnh vực trợ giúp pháp lý miễn phí:
 
1. Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.
 
2. Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.
 
3. Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em.
 
4. Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính.
 
5. Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.
 
6. Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm.
 
7. Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác.
 
8. Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 
2.3-Trách nhiệm của Luật sư tham gia  hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí
 
a) Trước khi có Luật luật sư năm 2006
 
Luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý hoàn toàn tự nguyện, không bị nghĩa vụ ràng buộc theo các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề của mình, mà chủ yếu trên nền tảng lương tâm nghề nghiệp hướng tới cộng đồng dân cư bị thiệt thòi, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý.
 
Sự tham gia của luật sư chưa đều khắp, chỉ dừng lại tại một số tờ báo pháp luật; một số đài phát thanh, truyền hình tại các địa phương; tham gia cộng tác với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hay các chiến dịch do Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tổ chức tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật
 
Trong phạm vi hành nghề của mình, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí ở các lĩnh vực sau:
 
     + Trong lĩnh vực tham gia tố tụng: Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách là người bào chữa cho các bị can, bị cáo người bị tạm giữ trong các vụ án Hình sự hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho  đương sự trong các vụ án Dân sự, Hành chính, Lao động, Ly hôn, người bị hại trong các vụ án hình sự. Họ là những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra luật sư cũng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; người có nhược điểm về thể chất tâm thần; người có khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự... theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư  và Tổ chức hành nghề luật sư trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý hoặc của Cơ quan tiến hành tố tụng.
 
     + Trong lĩnh vực đại diện ngoài tố tụng:  Luật sư cùng người dân hoặc thay mặt người dân – những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý để làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thông thường, luật sư tham gia đại diện ngoài tố tụng  thể hiện trong các lĩnh vực như Hành chính, Lao động, Khiếu nại...
 
     + Thực hiện tư vấn pháp luật cho người nghèo: Luật sư tham gia hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí này với các phương tiện thông tin đại chúng như báo Sài gòn Giải phóng; báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh...
 
     + Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý lưu động:Luật sư cùng một số các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh trợ giúp pháp lý, Đoàn luật sư; Hội luật gia... đi về các địa phương để trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân để người dân hiểu và tuân theo pháp luật. Luật sư có thể làm Báo cáo viên giảng giải những vấn đề pháp luật mà người dân quan tâm trong các buổi tuyên truyền đó.
 
Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư thể hiện khá sôi nỗi tại các Đoàn Luật sư trong đó mạnh nhất là Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội, với nhiều chiến dịch tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, bào chữa cho người bị hại là trẻ em và phụ nữ bị xâm hại, bạo hành  tiêu biểu điễn hình nhất là vụ án bé Nguyễn Thị Hảo - sinh năm 2005 bị mẹ ruột Nguyễn Thị Mỳ "cố ý gây thương tích" tỷ lệ thương tật 25% (Bình Phước); Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) bị Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm gây thương tật đến 66,83% (Cà Mau); Phan Văn Hàm " giao cấu với trẻ em" người bị hại là cháu Hồ Thị Tiền sinh năm 1994 (13 tuổi 9 tháng ) bị mang thai (Bình Phước) do Ls.Nguyễn Thị Hồng Liên ĐLS TPHCM trợ giúp; Vụ án bà Lê Thị Liên sinh năm1959 ngụ tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội bị chồng là thầy giáo dạy cấp 2 và con trai bẻ gẫy cổ; Chị Trần Thanh Thủy, sinh năm: 1968, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị chồng thường xuyên ghen tuông, đánh đập, và còn thuê người đánh; Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở là Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương bạo hành suốt 13 năm, với 424 vết thương trên thân thể do các luật sư Đặng Thúy Quỳnh, Nguyễn Hồng Bách, Vũ Gia Trưởng, Kiều Thị Hải Vân Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trợ giúp
 
Có thể nói, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc,  tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân, những người được trợ giúp pháp lý. Những vụ việc của họ được những luật sư  trợ giúp pháp lý tư vấn, đại diện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc nhanh chóng, đúng pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
 
Trong một số trường hợp, bằng sự trợ giúp pháp lý của mình, luật sư còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với dân trong đời sống hằng ngày tại địa phương, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
 
b) Sau khi có Luật luật sư năm 2006
 
Luật luật sưnăm 2006 có hiệu lực ngày 01/01/2007 tại Điểm d khoản 2 Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của luật sư đã quy định luật sư có nghĩa vụ phải "thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí " dẫn đến Luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí được xem như một nghĩa vụ trong quá trình hành nghề. Có thể nói luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là một hoạt động có tính nhân văn, được xã hội thừa nhận. Theo Luật luật sư hiện hành thìluật sư có thể thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư được gắn với hai yêu cầu cụ thể như:
 
1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao.
 
2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo Điều lệ của tổ chức luật sư toàn quốc. Với tôn chỉ đó, luật sư luôn luôn  ý thức rằng: việc tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí là nghĩa vụ  của luật sư. Vì vậy, dù không có thù lao nhưng khi đã nhận vụ việc, Luật sư đều phải cố gắng hết sức mình.
 
3. Một số giải pháp để đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí :
 
3.1. Cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trợ giúp pháp lýmiễn phí.
 
Theo đó nhà nước cần có quy định về nguồn tài chính cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư để tổ chức cho luật sư thực hiện các chương trình tuyên truyền pháp luật cho các vùng sâu, vùng xa, các cơ quan tiến hành tố tụng khi trưng cầu luật sư bào chữa chỉ định cần thanh toán cho luật sư đúng các quy định mà nhà nước quy định nhằm bù đắp chi phí xăng xe, đi lại ngũ nghỉ khi thực hiện việc bào chữa chỉ định.
 
3.2 Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần ban hành một quy định hướng dẫn cho các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong cả nước thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý.
 
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật luật sư 2012 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2013 có nhiều quy định mới liên quan đến nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư như tại Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam Khoản 10. quy định nhiệm vị hướng dẫn và giám sát thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sưvà Điều 67. Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Namđ) Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư quy định Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam phải quy định Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư. Theo chúng tôi trong thời gian tới Liên đoàn luật sư Việt Nam cần phải có quy định hướng dẫn cho các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong cả nước thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý và phải thực hiện giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đó, Song song cần có chế độ động viên khen thưởng kịp thời cho các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, và cá nhân luật sư thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng cần được trợ giúp.
 
3.3.Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cần có cơ chế phối hợp với các Đoàn Luật sư để triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý
 
Hầu hết các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đều dựa vào đầu mối Đoàn Luật sư để vận động Luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng mối quan hệ này chưa được xác lập bằng một cơ chế phối hợp. Theo chúng tôi để có thể vận động ngày càng đông đảo luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý thì hai bên cần ký kết văn bản quy chế phối hợp để hỗ trợ vận động luật sư tham gia.
 
(Tham luận phát biểu tại Hội nghị quốc tế về PRO BONO do Trường Đai học Kinh tế - Luật Đai học Quốc gia TPHCM và Tổ chức nhịp cầu nối biên giới Đông Nam Á - Sáng kiến giáo dục pháp luật cộng đồng BABSEA CLE (Bridges Across Borders Southeast Asia - Community Legal Education Intiative)  tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11 và 12/10/2013 với 22 tổ chức luật sư các nước và một số trường Đại học Luật các nước tham gia)
 
Tác giả bài viết: Ls.Phan Thông Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Trưởng cơ quan Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Năm, ngày 06 tháng 3 năm 2014 bởi Phạm Thùy Dung

Các tin khác