Thảo luận cho ý kiến vào Dự luật tố tụng hành chính (sửa đổi) tại tổ chiều 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội phân tích thực trạng "dân kiện quan", "quan xử quan" dẫn đến thực tế "dân thua kiện" hoặc "quan" không bị thi hành kỷ luật.
Đại biểu Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội) cho rằng, Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) là dự luật rất quan trọng liên quan đến xử lý vấn đề về đất đai. Sau khi có luật tố tụng hành chính, các vụ khởi kiện đất đai vẫn là gay cấn nhất, đây cũng là loại án bị hủy nhiều nhất.
"Phản ứng của người dân với loại án này khá lớn. Nếu theo dõi toàn bộ quá trình các vụ án thì phải xem xét lại luật này để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân", bà Nga nói và ví von loại án này là "dân kiện quan".
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, nhiều vấn đề tồn tại khiến cho xét xử và thi hành án hành chính khó khăn. Trước hết là việc phân định thẩm quyền tòa án nhân dân cấp huyện. Trước đây các vụ kiện hành chính cấp huyện thì tòa án huyện xử. Về mặt lý thuyết tòa án xét xử độc lập, nhưng ví dụ chủ tịch huyện bị kiện (thường là phó bí thư), về mặt lý thuyết là độc lập, nhưng về mặt thực tiễn thẩm phán là đảng viên công tác tại tòa án có quan hệ lệ thuộc với phó bí thư huyện. Hơn nữa, tòa án lệ thuộc về kinh phí của địa phương, ông Chánh án cũng có quan hệ lệ thuộc.
"Đặt thẩm quyền cấp huyện xử việc kiện ông chủ tịch cấp huyện là khó, dẫn đến phán quyết một số trường hợp khiến dân phàn nàn. Vì vậy, tôi ủng hộ theo hướng của ban soạn thảo, giao việc xét xử hành chính của cấp huyện cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh", bà Nga nói.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
|
Vấn đề thứ 2 là địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân. Bà Nga đặt câu hỏi: "Hiện nay Viện kiểm sát có là công tố trong án hành chính không? Chúng tôi quan niệm công tố trong hình sự, còn hành chính là người dân đi kiện chủ tịch, Viện kiểm sát đảm bảo cho hoạt động tư pháp, không lệch bất cứ bên nào. Khi nảy ra một cuộc tranh luận, nếu Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về vụ án mà tòa chưa phán quyết có làm lệch cán cân không? Viện kiểm sát không nên phát biểu trước khi tòa phán quyết".
Bà Nga cũng cho rằng, cần quy định người được ủy quyền tham gia vào toàn bộ thủ tục tố tụng. Tránh tình trạng nay ủy quyền cho người này, mai ủy quyền cho người khác và không có chuyện đến nghe rồi về báo cáo lại.
Còn việc thi hành án, theo bà Nga, người dân kiện ra tòa hành chính thắng kiện được đã gian nan, nhưng thi hành án còn gian nan hơn. Nhiều đơn vị không chịu thi hành cũng không bị kỷ luật, khiến người dân rất vất vả, lại phải gửi đơn đến cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc.
"Việc các cơ quan thua kiện không chấp hành bản án mà tòa án lại ra văn bản nữa là không hợp lý, vì bản án có hiệu lực phải được mọi tổ chức cá nhân tuân thủ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội nói.
Ở tổ Hà Nội, đại biểu Đào Văn Bình đồng tình phương án giao cho tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm các vụ án hành chính. "Phải để cấp tỉnh xét xử hành chính cấp huyện, như vậy thì mới công bằng, dân mới tin", ông Bình nói.
Đại biểu Trần Văn Độ kiến nghị nên giao thẩm quyền chéo, tức là công dân huyện này có quyền khởi kiện sang huyện khác, của tỉnh này sang tỉnh khác. Như vậy cơ quan xét xử sẽ không có áp lực và việc xét xử khách quan hơn.
Cũng nhấn mạnh việc xét xử chéo để lấy lại niềm tin cho nhân dân, đại biểu Nguyễn Sáng Vang nhận định, hiện dân không tin vào xét xử của tòa án vì cho rằng "quan xử quan thế nào dân cũng thua".
Hoàng Thuỳ