Đó là lời tâm sự của chị Trần Thị Chi (SN 1984), con gái út của ông Trần Văn Vót, người 23 năm bị bắt giữ với tội danh “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí” nhưng lại được chính gia đình nạn nhân đi kêu oan giúp, mà Dân trí đã phản ánh trong bài viết: "Hơn 20 năm đi kêu oan cho hai người bị kết án "giết" chết con mình".
23 năm khổ ải vì bố ngồi tù
Từ ngày ông Vót bị bắt đến nay đã 23 năm, cả gia đình 3 thế hệ gồm bố mẹ, vợ và các con của ông Vót cùng với gia đình người bị hại là cụ Trần Văn Điền (bố của nạn nhân Trần Hoa Việt) đi gõ cửa, kêu oan khắp nơi nhưng đều chìm trong vô vọng.
23 năm trôi qua, gia đình ông Vót trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng gia đình chưa bao giờ mất đi niềm tin rằng ông Trần Văn Vót sẽ được minh oan.
Các thành viên trong gia đình ông Vót tin rằng ông bị oan sai
Trước khi bị bắt giữ, ông Vót có 18 năm phục vụ trong quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, ông là bệnh binh mất 71% sức khỏe. Lúc về ông Vót làm Bí thư chi bộ xóm được hơn 1 năm thì xảy ra sự việc trên.
“Từ ngày bố tôi bị bắt, gia đình tôi chưa bao giờ có một bữa cơm vui vẻ, không một đêm nào ngủ được ngon giấc. Mọi thành viên trong gia đình và rất nhiều người dân trong xã đều tin rằng bố tôi vô tội. Nếu không được làm sáng tỏ được vụ án này và trả lại sự trong sạch cho bố tôi thì đây sẽ là nỗi oan truyền kiếp của gia đình…”, chị Trần Thị Chi, con gái út của ông Trần Văn Vót, đau xót chia sẻ.
Nhớ lại ngày ông Vót bị bắt giữ, bà Đỗ Thị Xưởng (56 tuổi), vợ ông Vót, lại khóc nấc. Bà kể lúc ấy là tháng 5/1993, ông 44 tuổi, con gái đầu mới 15 tuổi, con trai thứ hai 12 tuổi và con gái út mới 9 tuổi. Khi bị bắt giữ, ông vẫn rất bình tĩnh và liên tục nói: “Các ông bắt nhầm người rồi!”.
"Lúc ông ấy bị bắt, bọn trẻ còn quá nhỏ để hiểu được sự việc. Những lần lên thăm nuôi ông ấy ở trại giam Ba Sao, tôi đi chợ tích góp được mấy đồng bạc, dồn mua cho ông ấy 1-2 lạng thịt rồi rang lên đưa vào trại. Mấy đứa nhỏ thì chia nhau ít nước thịt để chan cơm...", bà Xưởng nhớ lại những ngày gian khó.
Người đàn ông trụ cột bị bắt giữ, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người vợ. Một mình bà gồng gánh cả gia đình. Người con trai Trần Thế Phương (SN 1980) học đến lớp 9, vì gia đình quá khó khăn mà phải bỏ học ở nhà đi cày thuê.
“Lúc bắt nó nghỉ học, tôi cũng đau lòng lắm, nhưng thực sự gia đình lúc ấy kiệt quệ lắm rồi. Nó còn quỳ xuống xin tôi đừng bắt nó nghỉ học, nhưng biết làm sao bây giờ, tiền không có cũng chả ai cho học”, bà Xưởng xót xa.
Anh Trần Thế Phương chia sẻ: “Cả nhà tôi đều tin tưởng tuyệt đối rằng bố vô tội. Cho đến bây giờ, bố tôi vẫn khẳng định mình không có tội gì cả. Bố tôi không giết người, không chống lại chính sách về ruộng đất của Nhà nước, không gây rối trật tự công cộng và không tàng trữ vũ khí trái phép”.
Anh Phương kể thêm, có lần bố anh kể rằng hồi còn bị tạm giam, một hôm kiểm sát viên của VKSND tỉnh đến phúc cung, thấy ông kiên quyết không nhận tội, ông ta đe: “Nếu anh không nhận tội thì sẽ cho anh vào băng tuyệt diệt (ý nói tội tử hình)”.
Nhưng cả hai lần ra tòa, ông Vót và ông Thanh vẫn kiên quyết không nhận tội. Luật sư cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh ông Vót bị oan nhưng đều bị tòa bác bỏ.
Cụ Trần Thị Vấn mẹ của ông Trần Văn Vót
“Còn sống ngày nào còn kêu oan ngày đó”
Theo chị Trần Thị Chi, trong vụ án ngày 29/11/1992, cả ông Vót và ông Thanh đều có chứng cứ ngoại phạm; nhiều người làm chứng 2 ông không có mặt ở hiện trường. Nhiều nhân chứng khác thì tố cáo họ bị các điều tra viên triệu tập lên cơ quan điều tra, dùng nhục hình để ép cung nên họ bắt buộc phải khai là có nhìn thấy 2 ông ở nơi xảy ra vụ án.
Bản kiến nghị của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh gửi gửi chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu hai cơ quan này xem xét lại vụ án
Bản thân ông Trần Văn Điền, bố của bị hại Trần Hoa Việt - người tử vong do trúng lựu đạn - cũng thu thập được những chứng cứ chứng minh ông Thanh và ông Vót không có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. Chính vì vậy mà ông Điền đã làm đơn kêu oan cho 2 người trên và mong muốn hung thủ thật sự phải ra chịu tội.
Sau 23 năm thụ án, hiện nay sức khỏe của ông Vót khá yếu. Theo người nhà ông Vót, ông bị bệnh lao kháng thuốc, do đang thụ án nên điều kiện chăm sóc không tốt như ở bên ngoài. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng ông Vót vẫn luôn tin tưởng công lý sẽ được thực thi. Sau một số văn bản chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vụ án, ông Vót càng thêm tin tưởng mình sẽ được minh oan.
Ông Trần Văn Vót đang thụ án tại trại giam và cho biết: "Còn sống ngày nào còn kêu oan ngày đó" (ảnh gia đình cung cấp)
Chị Trần Thị Chi cho biết: “Dù vụ án đã xảy ra rất lâu, sức khỏe bố tôi cũng rất yếu, nhưng bố tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Bố tôi bảo còn sống ngày nào còn kêu oan ngày ấy. Nếu bố không may gục ngã trong tù vẫn mong các con sẽ minh oan cho bố”.
Trong kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao ngày 27/7/2016, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã yêu cầu hai cơ quan này xem xét lại vụ án. Bà Khánh cũng đề nghị cơ quan tố tụng xem xét tha tù trước thời hạn cho ông Vót để ông sớm về nhà phụng dưỡng mẹ già và chữa bệnh. Bởi tính đến nay, ông Vót đã ngồi tù 23 năm và không còn nguy hiểm cho xã hội...
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 28/7/2016, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND Tối cao đã nhận được đơn của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các luật sư và gia đình bị cáo Vót. Hiện nay một đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, bao gồm cả các cơ quan ở trung ương và địa phương. Vụ án đang được thẩm tra, đánh giá lại toàn diện.
Trước đó, tại văn bản số 2774/VPCP-VI ngày 23/4/2016 của Văn phòng Chính phủ, gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, về việc yêu cầu 3 ngành trên xem xét lại vụ án. Văn bản nêu rõ: “Nếu có oan sai thì phải giám đốc thẩm vụ án để giải oan cho người vô tội”.
Đức Văn