Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Luật sư phản bác đề xuất 'quyền được chết'

23/4/2015 11:0
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng với hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chồng chéo cùng điều kiện kinh tế và truyền thống đạo đức thì việc Bộ Y tế đề xuất quy định "quyền được chết" của người bệnh là chưa khả thi, dễ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng với hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chồng chéo cùng điều kiện kinh tế và truyền thống đạo đức thì việc Bộ Y tế đề xuất quy định "quyền được chết" của người bệnh là chưa khả thi, dễ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty luật QTC) cho rằng Việt Nam chưa có đủ những điều kiện cần thiết để công nhận quyền này. Theo bà, Việt Nam là quốc gia châu Á có phong tục tập quán và truyền thống lâu đời luôn tôn trọng và đề cao quyền được sống vì thế mà quyền được chết còn rất xa lạ. Các bản Hiến pháp, Bộ luật dân sự trước đây đều không đề cập quyền được chết là quyền nhân thân của con người.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chồng chéo; kinh tế chưa phát triển kéo theo điều kiện chăm sóc, khám chữa bệnh còn thấp. Số lượng người bệnh xin được chết ở Việt Nam còn ít so với thế giới... Với tình trạng luật chồng chéo và chậm ban hành các văn bản hướng dẫn như hiện nay, theo bà quy định này nếu đưa vào Bộ luật dân sự sửa đổi mà không có hướng dẫn cụ thể kịp thời sẽ phát sinh nhiều hậu quả mà hiện tại "pháp luật Việt Nam chưa thể có cơ chế pháp lý đầy đủ để giải quyết".

Luật sư e ngại khi áp dụng có thể xuất hiện tình trạng gia đình người bệnh sẽ trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh. Trong trường hợp này, luật an tử lại là công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích, khuyến khích hành vi bất hiếu trong xã hội.

Với một số trường hợp người bệnh có thể hồi phục ngoài dự đoán của y học và như thế bác sĩ vô tình hại người. Hay một số trường hợp sẽ lợi dụng sơ hở của pháp luật để tiến hành giết người có chủ ý mà không sợ bị trừng phạt... Sẽ có người bệnh sẽ tự chọn cái chết (dù bệnh có thể chữa khỏi) để trốn tránh những khoản nợ hoặc để gian lận bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc ký vào giấy an tử đối với người bệnh sẽ để lại di chứng tâm lý không tốt đối với những người thân còn sống, dễ dẫn tới sự rạn nứt gia đình…

Luật sư lo ngại quy định này sẽ bị lạm dụng để thực hiện tội ác vô nhân đạo. Tình trạng này sẽ lớn hơn với những nước có hệ thống pháp luật lỏng lẻo, không kiểm soát được tình hình phạm tội. Nếu quyền được chết thừa nhận sẽ dẫn tới tình trạng nhiều người bệnh sẽ giảm đi ý chí, mất niềm tin vào cuộc sống. Với bác sĩ, quy định này có thể làm suy yếu, phá hỏng truyền thống y khoa.

"Trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, pháp luật Việt Nam chưa thể quy định. Vấn đề này còn tùy thuộc vào những chuyển biến kinh tế, xã hội và nhận thức pháp luật… theo thời gian", bà Thoa nói.

Trao đổi với VnExpress, luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty luật BROSS & PARTNERS) cũng cho rằng đề xuất đưa "quyền được chết" vào dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là "chưa khả thi, ít nhất là trong thời điểm này".

hoang-dung-180-7288-1429698572.jpg

Luật sư Hoàng Văn Dũng.

Theo quan điểm của ông Dũng, khi các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán chưa cho phép thì việc áp dụng dễ gây ra những hệ lụy khó lường. "Có thể xảy ra tình trạng lạm dụng chức năng nghề nghiệp khi xác định sự tự do ý chí của “người muốn chết” hay xuất hiện việc trục lợi cá nhân (vấn đề thừa kế di sản) hoặc cổ súy cho nạn suy đồi đối xử giữa những người thân trong gia đình khi có người gặp hoạn nạn về sức khỏe... ", luật sư nói.

Ông Dũng cho hay điều 19 của Hiến pháp quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật". Ngoài ra, không có bất cứ quy định nào về “quyền được chết”. Theo pháp luật Việt Nam, chỉ có thể tước đoạt cuộc sống của người khác thông qua việc áp dụng và cho thi hành hình phạt tử hình. "Nếu đề xuất này được đưa vào Bộ luật Dân sự sửa đổi thì việc vi hiến là khá rõ", ông nói.

Theo phân tích của ông Dũng, Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị từ ngày 24/9/1982. Theo công ước này, Chế định Quyền dân sự có 16 quyền cơ bản nhưng không có quyền nào được gọi là “quyền được chết”. Cũng vì Việt Nam đã tham gia Công ước này nên chế định quyền dân sự trong pháp luật nước ta không được xây dựng trái với các nguyên tắc của Công ước. Đặc biệt tại khoản 2, điều 5 của Công ước đã quy định “không được hạn chế hoặc huỷ bỏ bất kỳ quyền cơ bản nào của con người...” và khoản 1, điều 6 cụ thể hơn rằng “mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”.

Cùng quan điểm, luật sư Phan Thị Lan Anh (Văn phòng luât sư Gia Bảo) cho rằng kiến nghị bổ sung "quyền đươc chết" hay "quyền an tử" vào Bộ luật dân sự sửa đổi lần này của Bộ Y tế chưa phù hợp.

ls-lan-anh-180-3005-1429698572.jpg

Luật sư Lan Anh.

Nữ luật sư cho hay năm 2005 "quyền được chết" được đưa vào dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi nhưng không được Quốc hội thông qua. Việc hiện chỉ có một số ít nước công nhận quyền này cho thấy các quốc gia đều rất thận trọng, vì ngoài vấn đề nghiên cứu về hành lang pháp lý để quyền này thực thi mà không bị lợi dung, biến tướng thành tội phạm còn liên quan đến đạo đức, tôn giáo của mỗi nước.

Bà Lan Anh chia sẻ trong quá trình làm nghề luật đã gặp một vài trường hợp khi bệnh trở nặng hay giận con cháu không quan tâm chăm sóc nên muốn tìm đến cái chết. Tuy nhiên sau khi được quan tâm động viên hoặc bệnh tình thuyên giảm mà họ đã thôi ý định này.

Luật sư cho rằng nhiều bác sĩ đã trăn trở khi nhận được đề nghị tha thiết "xin được chết" của người bệnh, bởi hơn ai hết họ hiểu về bệnh tình và những đau đớn mà những người này đang phải chịu đựng. Song ở giai đoạn khác nhau, bệnh nhân có những ý nghĩ và quyết định khác nhau, chưa kể một số người mắc một thêm một dạng bệnh tâm thần nào đó nhưng chưa được phát hiện.

"Pháp luật miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tâm thần, vậy trường hợp người đề nghị "được chết" không minh mẫn sáng suốt hay mất khả năng điều khiển hành vi thì yêu cầu của họ có được được áp dụng?", luật sư nêu quan điểm.

Tuy nhiên tiếp cận "quyền được chết" ở góc độ khác, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc) cho rằng nếu “sống” được xem là quyền của một người thì họ cũng có thể từ chối quyền đó - đó chính là quyền được chết của cá nhân.

Theo ông Bình, "quyền được chết" cần được ủng hộ vì hướng đến mục đích tốt đẹp giúp những bệnh nhân trong tình trạng đau đớn kéo dài hay mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa ở giai đoạn cuối được "ra đi thanh thản". Nó cũng sẽ giúp các bác sĩ có định hướng tốt và yên tâm giúp đỡ bệnh nhân được toại nguyện.

"Đây là quyền nhân thân của cá nhân, cần được luật hóa", luật sư Bình nêu quan điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng để tránh việc lạm dụng “quyền được chết”, pháp luật cần quy định chặt chẽ về điều kiện áp dụng, điều kiện chủ thể và cách thức thực hiện.

Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế cho hay trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản. 

"Về mặt luật pháp, chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử, nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Như vậy có phải là hành vi giết người? Bác sĩ cho người ta chết về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự, nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì vẫn có thể được", tiến sĩ Quang nói.

Đức Hiệp

                                                                                                                                           

Các tin khác