Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp rên xiết vì "thuế đen" và "phí bôi trơn" tăng

26/5/2016 18:27
Dân trí Một chủ doanh nghiệp (DN) để nuôi sống gia đình, trả lương công nhân và nộp thuế cho nhà nước thì hàng tháng vẫn phải “đóng thuế” bôi trơn cho nhiều lực lượng “đông như quân Nguyên” gồm: công an phường, quy tắc phường, quy tắc trật tự thành phố, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113… Thuế đen này tính công khai theo tháng, quý và ngày lễ tết.

>> "Hành trình đi tới giấy phép xây dựng" qua lời một sếp doanh nghiệp
 >> Một tháng 4 đoàn thanh tra, không bôi trơn khó xong việc
 >> Chịu lắm phiền hà, nhũng nhiễu, doanh nghiệp Việt đang "ngại lớn"

Phạm H. Quang khởi nghiệp trong lĩnh vực giao nhận năm 2013. Sau khi đã ổn định ở thị trường Hà Nội, anh tiếp tục mở rộng kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

“Đợt chúng tôi vào TPHCM, chạy đâu được hơn 1 tháng, đùng cái, công an phường đến đòi giấy tờ. Thời điểm đó chúng tôi đang thiếu giấy thành lập chi nhánh vì thủ tục chưa xong, còn các giấy tờ khác về DN, hợp đồng lao động...đều đầy đủ. Thế mà phía công an đùng đùng đòi chúng tôi phải đóng cửa DN ngay”, anh Quang kể lại câu chuyện của mình.

Theo anh thì cách hành xử mà công an phường chỗ chi nhánh công ty anh không khác vụ cà phê Xin Chào là bao. “Tôi nghĩ cũng chẳng riêng gì công ty tôi đâu, các công ty nhỏ khác đều vậy. Nói thực, kinh doanh bây giờ nhìn đâu cũng sợ mà đố dám phản ứng”, CEO 30 tuổi chia sẻ với người viết.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mới đây ông nhận được một bức thư tay của một chủ DN, viết bằng bút bi trên tờ giấy úa vàng, phong bì phổ thông đơn giản. Nét chữ gai góc dường như là của một người lớn tuổi đang đau đáu với những bức xúc quanh mình.

Ông Tuấn kể, bức thư của một chủ DN nhỏ đang hoạt động kinh doanh tại thành phố Thanh Hóa, không nêu tên DN vì “lý do tế nhị”.

Ông cho biết, để có thể hoạt động được nhằm nuôi sống gia đình, trả lương công nhân và nộp thuế cho nhà nước, hàng tháng DN của ông phải “đóng thuế” bôi trơn cho nhiều lực lượng mà ông ví là “đông như quân nguyên” gồm: công an phường, quy tắc phường, quy tắc trật tự thành phố, cảnh sát giao thông thành phố, cảnh sát trật tự thành phố, cảnh sát 113 thành phố… Thuế đen này tính công khai theo tháng, quý và ngày lễ tết.

Sự tồn tại của những loại “thuế đen” này xuất phát từ những “vi phạm” bất khả kháng, không thể khác trước những quy định tréo ngoe của pháp luật: “Bó thép 1 ly, thanh thép vuông, cuộn tôn nhỏ được cắt ra thì dán tem nhãn ở đâu được nên chắc chắn phải vi phạm quy định về tem nhãn hàng hoá! Quy định và áp dụng về quá khổ, quá tải cứng nhắc nên cứ vận chuyển ra đường là chắc chắn vi phạm quy định về giao thông”.

Ông Tuấn cho rằng, DN nhỏ ở Thanh Hoá này có lẽ cũng như hàng chục, hàng trăm ngàn DN khác ở Việt Nam. “Bức thư là một lời tâm sự, một tiếng thở dài!”, trưởng ban Pháp chế VCCI cảm thán.

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng và DN 2016, Dân Trí đã đăng tải bài viết “Hành trình đi tới giấy phép xây dựng" qua lời một sếp DN” do một vị Tổng giám đốc một công ty xây dựng kể về hành trình lấy giấy phép cho một nhà máy 200 tỷ đồng, vượt qua “một cửa” nhưng chông gai bằng “nhiều cửa” ngày trước cộng lại.

Ngay sau bài viết này, nhiều bình luận của độc giả được gửi đến, trong đó có những chia sẻ của không ít các chủ DN nhỏ. Chẳng hạn, độc giả Bùi Minh Đức kể câu chuyện của mình như sau: “Tôi đăng ký giấy phép kinh doanh 3 ngày thì được cấp nhưng giấy phép hoạt động điện lực mất 30 ngày làm việc của công chức chưa xong. Giấy phép con tốn kém chi phí hơn 30 lần giấy phép kinh doanh trong khi quy định 800.000 đồng. Công ty đang xin giấy phép nhưng yêu cầu cán bộ chuyên gia phải có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm và đã tham gia tư vấn các công trình liên tục trong 5 năm đó.

“Mấy ông cán bộ Sở Công thương lại còn yêu cầu photo hồ sơ chứng minh cán bộ chuyên gia đã tham gia hoặc chủ trì những công trình đã kê khai. Cái này rất dở hơi! Có ông nào đi lưu trữ tất cả những hồ sơ mình đã ký không?”.

 
Các chủ doanh nghiệp mệt mỏi về các loại phí bôi trơn

Hay độc giả Lê Sự Thật thì cho biết: “DN anh bạn tôi đi làm thủ tục hành chính (TTHC) chuyển quyền sở hữu đất của DN này sang DN khác từ năm 2012 đến nay mà vẫn không xong cho dù đã gửi hàng chục văn bản giải trình và các tài liệu chứng minh sự phù hợp với pháp luận và quy định của thành phố. Đáng buồn là quan chức chỉ viện dẫn một đoạn "văn", câu từ được cắt đầu cắt đuôi trong Luật Đất đai có nội dung bất lợi cho DN mà không cần xem đến các Điều khoản cụ thể khác trong Luật”.

Một độc giả khác cảm thán rằng: Phải công nhận tốc độ thi công xây dựng ở Việt Nam "quá nhanh". Cán bộ ký xong hết giấy tờ cấp phép xây dựng thì đã thi công xong trước lâu rồi!

Những bất cập này có thể hiểu được phần nào qua bình luận của độc giả Lê Thị Kính: Quy định của Nhà nước về thu “phí” khi giải quyết TTHC hiện rất nhỏ so với “phí bôi trơn”. Ngược lại, một cú chi “phí bôi trơn” thì có thể bằng vài tháng lương công chức, thậm chí là vài năm.

Kết quả khảo sát PCI do VCCI thực hiện và công bố đầu năm nay cho thấy, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam (vốn chiếm 97,6% tổng số DN) đang “ngại lớn”. Một trong những nguyên nhân đó là : Có tới 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua.

Các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện TTHC tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DN nhỏ và vừa Việt Nam “ngại lớn”.

Thế nhưng, không phải chờ đến khi “lớn” thì DN mới bị TTHC “hành”. Những câu chuyện cụ thể được nêu dẫn ở trên cho thấy rằng, các chủ DN đang quá mệt mỏi vì giấy phép con và đủ các loại phí trong, phí ngoài. Riêng với DN vừa và nhỏ, họ “ngại lớn” hay đúng ra là “không thể lớn được”!

Con số được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới công bố cho thấy, trong quý I năm nay, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh lên tới 2.919 DN, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những DN có quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm tới 93%).

Đáng chú ý, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có đến 8.026 DN đăng đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.018 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận: "Đây là dấu hiệu rất bất thường và rất đáng buồn! Ai nói bình thường là tự an ủi nhau, là vô trách nhiệm. Tôi thấy chi phí của DN ngày càng tăng lên mà lợi nhuận thì ngày càng giảm đi, đây có thể là 1 nguyên nhân khiến DN phá sản".

Nhiều người nói các DN phá sản đa phần nhỏ, bé hoạt động không tuân thủ theo quy luật thị trường "ăn xổi, ở thì" nhưng số đó rất ít. Số DN chết vì chi phí của họ ngày càng tăng lên như lãi suất, thuế, phí và các khoản ngoài phí, trong khi đó lợi nhuận của họ ngày càng mỏng, ngày càng bị đối thủ nước ngoài chiếm hết - vị chuyên gia phân tích.

 

Bích Diệp

 

Các tin khác