(Chinhphu.vn) - Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021, quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp... là những chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2021.
Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi về người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005.
Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới mà trước đây chưa quy định cho các đối tượng người có công này.
Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng từ ngày 1/7/2021, cụ thể là bằng 3 lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì 1 lần mức chuẩn như quy định trước đây.
Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được hỗ trợ về BHYT.
Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021
Nghị định 20/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7/2021.
Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 10/07/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, đối với vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trọng hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
Quy định nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ
Có hiệu lực từ 1/7/2021, Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, Nghị định quy định trong thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và LHQ, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam là người chỉ huy cao nhất, đại diện của lực lượng Việt Nam tại phái bộ về lĩnh vực hành chính và kỷ luật với LHQ. Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của LHQ giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và LHQ; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong việc tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ làm việc với chính quyền nước sở tại, tổ chức quốc tế và đối tác khác tại phái bộ khi được phép của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của lực lượng Việt Nam; theo dõi, giúp đỡ lực lượng Việt Nam tại phái bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ; điều phối công tác hỗ trợ triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam khỏi phái bộ; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành về hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Có hiệu lực từ 1/7/2021, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú, trong đó, có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở...
Quy định mới về hủy, xác lập lại số định danh cá nhân
Có hiệu lực từ 1/7/2021, Thông tư số 59/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD) và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.
Thông tư nêu rõ quy định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân. Cụ thể, trường hợp xác lập lại số định danh cá nhân do công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú yêu cầu công dân đó cung cấp giấy tờ, tài liệu hộ tịch chứng minh việc đã được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh để kiểm tra, xác minh, bổ sung vào hồ sơ quản lý và gửi yêu cầu đề nghị xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.
Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân
Thông tư số 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Trong đó, về tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, Thông tư nêu rõ, công dân đến địa điểm làm thủ tục cấp CCCD hoặc thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Trường hợp công dân đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ thực hiện tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD và thực hiện theo quy định.
Trường hợp công dân không đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ thực hiện từ chối tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD và nêu rõ lý do.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định./.