Quy định các lĩnh vực được ưu tiên dùng vốn ODA, về chi tiền lương cho cán bộ, công chức; số hoá tất cả các quyết định xử phạt hành chính, quy định mới về chi tiền lương công chức, về phí môi trường…là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2016.
6 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA
Theo Nghị định 16/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có hiệu lực từ 2/5 có 6 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Cụ thể gồm lĩnh vực hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng.
Các trường hợp tạm giữ theo thủ tục hành chính
Có hiệu lực từ ngày 2/5, Nghị định số 17/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp: Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi: gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác; Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp sau mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Số hóa việc xử phạt hành chính
Theo Nghị định 20/2016 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia ngoài phục vụ công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật sẽ cập nhật các thông tin về quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm các thông tin: người bị xử phạt; số, ngày tháng năm ban hành quyết định xử phạt; hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, mức phạt; biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, chức danh của người ra quyết định xử phạt.
Cơ sở dữ liệu quốc gia cũng cập nhật các thông tin về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5.
Quy định mới về chi tiền lương cho cán bộ, công chức
Theo Quyết định 15/2016 của Thủ tướng về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018, mức chi tiền lương bằng sẽ bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
Trong đó bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Những người được hưởng lương theo quyết định này bao gồm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán); người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5 và được áp dụng cho ngân sách các năm 2016-2018.
Nghệ sĩ trốn thuế sẽ tước giấy phép
Nghị định 15/2016/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Theo đó, từ ngày 1/5, sẽ thu hồi giấy phép biểu diễn trong các trường hợp: Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn; Quảng cáo mạo danh; Hát nhép; Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, thuần phong mỹ tục; Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn; không thực hiện nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định....
Ngoài ra, cũng thu hồi giấy phép biểu diễn đối với các trường hợp vi phạm các quy định về việc biên tập các tiết mục biểu diễn phù hợp với lứa tuổi, giới tính khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phải được sự đồng ý của người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật.
Quy định mới về phí bảo vệ môi trường
Nghị định số 12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5 quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác dầu thô là 100.000 đồng/tấn; với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3; riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3. Giảm mức phí bảo vệ môi trường đối với quặng nhôm, quặng bô-xit còn từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn. Tăng phí từ 500 - 3.000 đồng/m3 lên 1.000 - 5.000 đồng/m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường,.
Vẫn giữ nguyên mức phí bảo vệ môi trường như quy định hiện hành từ 40.000 - 60.000 đồng/tấn với quặng sắt, quặng đất hiếm, quặng cromit; 50.000 - 70.000 đồng/tấn đối với quặng titan, quặng đá quý như kim cương, rubi, sapphire, opan quý màu đen, thạch anh tinh thể màu tím xanh…
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của các loại khoáng sản nêu trên. Đặc biệt, không thu phí bảo vệ môi trường với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than đến hết năm 2017.
Ngoài ra, một số quy định mới hoặc điều chỉnh về sở hữu công nghiệp về tên, phí ra vào cảng nội địa, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, quy định về xử lý sinh viên, học sinh thi hộ…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2016.