(Chinhphu.vn) - Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019; quy định mới về thi tuyển công chức; thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 địa phương;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT
Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 01/01/2019. Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).
Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019
Theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018, của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.
Điều kiện thành lập tổ chức hành chính
Theo Nghị định 158/2018/NĐ-CP, ngày 22/11/2018, của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính có hiệu lực từ 10/01/2019, tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ 5 điều kiện:
1- Có cơ sở pháp lý.
2- Đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật.
3- Có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính.
4- Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác.
5- Loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.
Phải đánh giá tác động môi trường các dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển
Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018, của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa có hiệu lực từ 11/01/2019.
Nghị định quy định rõ, các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 05 năm.
Phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai theo 5 cấp
Nghị định số 160/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ 01/01/2019.
Nghị định quy định, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai); đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp.
Quy định mới về thi tuyển công chức
Có hiệu lực từ 15/01/2019, Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 8 (các môn thi và hình thức thi), Điều 9 (điều kiện miễn thi một số môn) và Điều 10 (cách tính điểm) thành Điều 8 (nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức).
Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng
Theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP, ngày 30/11/2018, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng có hiệu lực từ 15/1/2019, hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng./.
Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 địa phương
Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 10/01/2019 thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.
Giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Thông tư 117/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư279/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019, giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu khi đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng được giảm từ mức 32 triệu đồng/lần/đơn vị xuống mức 28,5 triệu đồng; trường hợp đánh giá lại thì phí giảm từ 22,5 triệu đồng xuống còn 20,5 triệu đồng.
Hướng dẫn chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/01/2019.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân trong QĐND
Thông tư số 165/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019. Theo đó, Hội đồng quân nhân là tổ chức đại diện cho quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; được thành lập ở cơ quan, đơn vị; do đại hội quân nhân bầu ra để thực hiện phát huy dân chủ về quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống ở cơ quan, đơn vị.
Hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa
Có hiệu lực từ 06/01/2019, Thông tư 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó quy định về Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh.
Chí Kiên