Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Một số điểm mới cơ bản của Luật Công chứng năm 2006

22/4/2015 10:37
Luật Công chứng là luật đầu tiên quy định về hoạt động công chứng ở nước ta, gồm 8 chương, 67 điều, bao gồm các nội dung về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; lưu trữ hồ sơ; phí công chứng, thù lao công chứng, xử lý vi phạm, khiếu nại, giải quyết tranh chấp,...

 
 

     
 1. Phạm vi điều chinh của Luật:

Điểm mới của Luật công chứng so với các nghị định trước đây của Chính phủ về công chứng, chứng thực là Luật chỉ quy định các vấn đề về công chứng, không quy định các vấn đề về chứng thực (Điều 1 Luật Công chứng).

Công chứng và chứng thực là hai loại hoạt động khác nhau về tính chất của hành vi cũng như đối tượng. Công chứng là hoạt động mang tính chất dịch vụ công. Đối tượng của hoạt động công chứng là các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại, ... Hoạt động công chứng bao gồm một chuỗi thủ tục rất phức tạp kể từ khi Công chứng viên tiếp nhận ý chí của các bên giao kết hợp đồng như: xác định tư cách chủ thể của các bên, kiểm tra năng lực hành vi dân sự của chủ thể, tính tự nguyện của các bên giao kết hợp đồng, xác định nguồn gốc hợp pháp của đối tượng hợp đồng, kiểm tra tính hợp pháp của nội dung của hợp đồng, thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, ... Những tình tiết này là rất quan trọng, bảo đảm cho hợp đồng không bị vô hiệu và có ý nghĩa chứng cứ về sau nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên cũng như với bên thứ ba. Trong khi đó, hoạt động chứng thực là hành vi mang tính chất hành chính của các cơ quan hành chính công quyền.

Đối tượng của hoạt động chứng thực là các giấy tờ, tài liệu, ví dụ: chứng thực sao y giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ v.v. Theo thông lệ quốc tế, các vấn đề về công chứng được quy định trong luật dân sự, tố tụng dân sự. Pháp luật vê công chứng thuộc loại pháp luật về chứng cứ. Còn vấn đề chứng thực thì được quy định trong luật về hành chính.

Việc tách biệt công chứng và chứng thực như vậy vừa là đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính (không lẫn lộn chức năng của cơ quan hành chính công quyền với chức năng của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ) đồng thời cũng là điều kiện để chuyển tổ chức công chứng sang chế độ dịch vụ công. Như vậy, Luật công chứng chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động công chứng nhằm phục vụ cho các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại,...


         2. Định nghĩa công chứng:

Việc xác định khái niệm công chứng là vấn đề mấu chốt của hoạt động công chứng. Khái niệm công chúng đã được nêu trong 3 Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước, Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực, việc thể hiện cụ thể khái niệm này có sự khác nhau, song có sự giống nhau về cơ bản như sau: công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của hợp đồng, giao dịch khác.

Điều 2 của Luật công chứng định nghĩa công chứng như sau:

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Như vậy, trong định nghĩa nêu trên về công chứng có mấy ý quan trọng sau đây:

Một là, công chứng là hành vi của Công chứng viên. Điều này phân biệt với hành vi chứng thực của người đại điện của cơ quan hành chính công quyền.

Hai là, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch khác được Công chứng viên xác nhận. Tính xác thực của các tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch khác là vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm cho chúng có giá trị chứng cứ. Trong pháp luật về tố tụng, khi nói đến chứng cứ thì bao giờ cũng đề cao tính xác thực của các sự kiện, tình tiết có thực, khách quan được coi là chứng cứ. Sở dĩ pháp luật coi văn bản công chứng có giá trị chứng cứ cũng là do tính xác thực của các tình tiết, sự kiện có trong văn bản đó là có tính xác thực đã được Công chứng viên xác nhận. Tính xác thực này được Công chứng viên kiểm chứng và xác nhận ngay khi nó xảy ra trong thực tế, trong số đó có những tình tiết, sự kiện chỉ xảy ra một lần, không để lại hình dạng, dấu vết về sau (ví dụ: sự tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng) và do đó, nếu không có Công chứng viên xác nhận thì về sau rất dễ tranh chấp mà Toà án không thể xác minh được.

Ba là, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác được Công chứng viên xác nhận. Đây là điểm khác biệt giữa trường phái công chứng nội dung (công chứng hệ Latine) và trường phái công chứng hình thức (công chứng hệ Angiosason). Trong công chứng hệ Latine thì các hợp đồng, giao dịch hợp pháp mới được Công chứng viên xác nhận, những hợp đồng, giao địch bất hợp pháp thì bị từ chối công chứng. Đặc điểm này của công chứng hệ Latine quy định chức năng phòng ngừa các tranh chấp trong hợp đồng, giao dịch khác của công chứng.

 

3. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng:

Khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng có ý nghĩa quan trọng quyết định sự tồn tại của thể chế công chứng trong đời sống xã hội. Tại sao các hợp đồng, giao dịch (đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch về bất động sản) cần phải được công chứng? Nói cách khác, các bên hợp đồng, giao dịch có được lợi ích gì khi qua thủ tục công chứng.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Công chứng:

1. Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo qui định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

2. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.

Như vậy, hợp đồng, giao dịch khác đã được công chứng sẽ có hai giá trị pháp lý cơ bản sau đây:

Một là, giá trị thi hành của văn bản công chứng. Nói văn bản công chứng có giá trị thi hành có nghĩa là những gì đã thoả thuận trong văn bản công chứng thì có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên hợp đồng, giao dịch đồng thời đối với cả bên thứ ba. Trước hết, xét trong mối quan hệ giữa các bên giao kết hợp đồng thì hiển nhiên là những gì mà họ đã cam kết trong hợp đồng, giao dịch thì họ phải có nghĩa vụ thực hiện, không được bội ước. Đó cũng là nguyên tắc của luật dân sự. Mặt khác, xét trong mối quan hệ với người thứ ba thì văn bản công chứng cũng có hiệu lực bắt buộc người thứ ba phải tôn trọng và thi hành. Điều này cũng là xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng của chủ thể.

Hai là, giá trị chứng cứ không phải chứng minh trước Toà án. Vấn đề giá trị chứng cứ của văn bản công chứng không phải chứng minh cũng đã được quy định tại Điều 80 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Cơ sở của quy định này là xuất phát từ việc thừa nhận chức năng của Công chứng viên về chứng nhận tính xác thực của các hợp động, giao dịch như đã nêu trên. Tính xác thực do Công chứng viên chứng nhận biến các tình tiết, sự kiện có trong hợp đồng, giao dịch trở thành chứng cứ hiển nhiên trước tòa. Tại điều 6 của Luật Công chứng cũng khẳng định là giá trị chứng cứ của văn bản công chứng sẽ bị bác bỏ khi bị Tòa án tuyên là vô hiệu. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là Tòa án có thể tuyên vô hiệu một cách tùy tiện. Một người muốn yêu cầu Tòa án tuyên bố một văn bản công chứng là vô hiệu thì phải chứng minh được văn bản công chứng đó được lập một cách trái pháp luật. Nếu không chứng minh được điều đó thì văn bản công chứng sẽ đuược công nhận là chứng cứ hiển nhiên trước Tòa án. Như vậy, vai trò phòng ngừa của Công chứng viên thể hiện ở chỗ: ngay khi lập hợp đồng, các bên giao kết hợp đồng đã củng cố chứng cứ về việc ký kết hợp đồng đó để đề phòng các tranh chấp về sau.

 

4. Công chứng viên:

Điểm mới cơ bản của Luật Công chứng so với các Nghị định trước đây của Chính phủ về công chứng đó là chế định Công chứng viên. Cụ thể là: Công chứng viên là chủ thể thực hiện hành vi công chứng chứ không phải là Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng. Trước đây các Nghị định của Chính phủ quy định về công chứng chưa làm rõ được vị trí nêu trên của Công chứng viên. Cách thức tổ chức công chứng nhà nước như trước đây khiến cho người dân và các cơ quan tổ chức chỉ nghĩ đến Phòng công chứng như là chủ thể duy nhất của hoạt động công chứng, còn Công chứng viên chỉ là một công chức hành chính làm việc trong Phòng công chứng. Trưởng phòng công chứng hầu như là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động công chứng của phòng.

Điều 7 Luật Công chứng quy định: Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Như vậy, theo quy định của điều này thì Công chứng viên là chủ thể hành nghề công chứng chứ không phải là Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng. Phòng Công chứng hay Văn phòng công chứng chỉ là tổ chức hành nghề của Công chứng viên. Điều 22 cũng quy định: Công chứng viên có quyền lựa chọn nơi để hành nghề công chứng. Việc đề cao vị trí của Công chứng viên là cơ sở để xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm (kể cả trách nhiệm vật chất) của Công chứng viên.

Công chứng viên không nhất thiết phải là công chức nhà nước. Đây là điểm rất mới so với trước nay ở nước ta, nhưng ở các nước ngoài thì đây là điều phổ biến. Xét về lịch sử hình thành nghề công chứng ở các nước châu Âu thì Công chứng viên hiếm khi là công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chứng viên là một nhân vật đặc biệt: được nhà nước bổ nhiệm chức danh, được thay mặt nhà nước nhưng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ở Việt Nam, khi thực hiện Luật Công chứng thì sẽ có hai loại Công chứng viên: Công chứng viên làm việc trong các Phòng công chứng nhà nước thì họ là viên chức nhà nước, vì Phòng công chứng sẽ chuyển sang chế độ đơn vị sự nghiệp chứ không phải là cơ quan hành chính như hiện nay; Công chúng viên làm việc trong các Văn phòng công chứng thì họ không phải là công chức hay viên chức nhà nước. Mặc dù có hai loại Công chứng viên làm việc ở hai loại tổ chức hành nghề công chứng khác nhau nhưng về địa pháp lý của họ trong hành nghề công chứng hoàn toàn không khác nhau. Họ có quyền công chứng các loại hợp đồng giao dịch như nhau và giá trị pháp lý của văn bản công chứng do họ lập ra là như nhau.

Tiêu chuẩn Công chứng viên được nâng cao hơn so với qui định hiện hành. Cụ thể là ngoài các tiêu chuẩn như phải có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên và phải có chứng chỉ đào tạo nghề công chứng như hiện nay (điều 13 Luật Công chứng) thì người muốn được bổ nhiệm Công chứng viên phải qua thời gian tập sự nghề công chứng ít nhất 12 tháng (điều 16 Luật Công chứng). Luật quy định rõ nội dung công việc mà người tập sự nghề công chứng phải làm trong thời gian tập sự. Ngoài ra, thời gian đào tạo nghề công chứng cũng được Luật quy định là 6 tháng (điều 14 Luật Công chứng).

 

5. Tổ chức hành nghề công chúng:

Từng bước xã hội hóa công chứng là chủ trương đúng đắn được đề cập trong nhiều văn kiện, văn bản. Nghị quyết số 4/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đặt ra yêu cầu là hoàn thiện chế độ pháp luật về công chứng, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp, có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này.

Những quy định tại Chương III Luật Công chứng về tổ chức hành nghề công chứng thể hiện rõ tinh thần đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng xã hội hoá và dịch vụ hoá. Nếu như trước đây ở nước ta chỉ có một hình thức tổ chức công chứng duy nhất là công chứng nhà nước thì nay theo Luật Công chứng sẽ có hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng do Nhà nước thành lập và Văn phòng công chứng do các Công chứng viên đầu tư thành lập (điều 23 Luật Công chứng). Các Phòng Công chứng đã được thành lập vẫn tiếp tục hoạt động. Đối với những nơi chưa có Văn phòng Công chúng để đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức thì Nhà nước sẽ thành lập phòng công chứng. Các phòng công chứng sẽ vận dụng theo chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp (Điều 24 Luật Công chứng)

Văn phòng Công chứng là một hình thức mới của tổ chức hành nghề công chứng do một công chứng viên hoặc các công chứng viên thành lập. Nếu Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập sẽ được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; nếu Văn phòng công chứng cho hai công chứng viên trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Việc thành lập Văn phòng Công chứng phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp (Điều 27 Luật Công chứng). Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính bằng nguồn thu đóng góp từ các công chứng viên, phí, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng công chứng phải là Công chứng viên. Chính phủ quy định con dấu của Văn phòng công chứng. Tên gọi của Văn phòng công chứng do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ "Văn phòng công chứng", không được dùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác... Về lâu dài hình thức văn phòng công chứng sẽ là hình thức phổ biến của tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta. Mô hình phòng công chứng nhà nước trước mắt là cần thiết, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng trong tương lai khi nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển mạnh thì mô hình này sẽ thu hẹp dần. Đây cũng là kinh nghiệm chuyển đổi từ hệ thống công chứng nhà nước sang công chứng "phi nhà nước hoá" của các nước xã hội chủ nghĩa cũ như Nga, Ba Lan, ...

Hoạt động công chứng là một hoạt động có liên quan đến quyền lực nhà nước. Trong từ điển tiếng Việt có định nghĩa: Công chứng là lấy quyền công ra mà làm chứng. Tuy nhiên, việc nhân danh quyền công ở đây không nhất thiết phải là công chức nhà nước mới có quyền đó. Tùy theo tình hình mà Nhà nước có thể giao quyền đó cho một tổ chức, một cá nhân không phải của Nhà nước thực hiện. Do vậy, không nên hiểu xã hội hóa công chứng là chuyển công chứng nhà nước thành công chứng tư nhân. Hình thức Văn phòng công chứng quy định trong Luật Công chứng không phải là Văn hòng công chứng tư nhân (trong Luật không có chỗ nào nói là Văn phòng công chứng tư nhân). Đã là công chứng thì đều là nhân danh Nhà nước. Cũng không nên quan niệm Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp có nghĩa là chuyển hoạt động công chứng theo hướng kinh doanh chạy theo lợi nhuận. Việc thành lập các Văn phòng công chứng cũng không thể theo kiểu tự do thành lập doanh nghiệp mà phải theo quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Quan hệ giữa người yêu cầu công chứng với Phòng công chứng, Văn phòng công chứng là quan hệ mang tính chất dịch vụ (có thu phí, thù lao, các chi phí khác). Việc làm và thu nhập của Công chứng viên phụ thuộc vào số lượng và chất lượng dịch vụ công chứng mà họ cung cấp cho người yêu cầu công chứng. Nếu gây thiệt hại cho khách hàng thì họ phải bồi thường thiệt hại thông qua tổ chức hành nghề công chứng.

 

6. Địa hạt công chứng:

Trước đây, theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ về công chứng, chứng thực thì thẩm quyền phân chia địa hạt công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho các phòng công chứng thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh. "Địa hạt" là một hoặc một số quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh. Luật Công chúng không còn quy định về địa hạt, Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở (điều 37 Luật công chứng), Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng, họ có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trong tỉnh để yêu cầu công chứng.

 

7. Con dấu của Phòng công chứng và của Văn phòng công chứng:

Điều 24 Luật Công chứng quy định: Chính phủ quy định chế độ tài chính, con dấu của Phòng công chứng. Theo quy định tại điều 8 Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì con dấu của Phòng công chứng và Văn phòng công chứng không có hình quốc huy như con dấu của phòng công chứng trước đây.

 

8. Chế độ tài chính của Phòng công chứng:

Theo quy định của luật Công chứng, Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp (điều 24 Luật công chứng) chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước như trước đây.

Về vấn đề tài chính của phòng công chứng cơ bản là áp dụng các quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các phòng công chứng sẽ được phân thành 3 loại (xét theo góc độ khả năng trang trải vê tài chính), đó là:

- Phòng công chứng tự cân đối được 100 % giữa thu và chi tài chính;

- Phòng công chứng tự cân đối được một phần giữa thu và chi tài chính (dự kiến từ trên 10% đến dưới 100%);

- Phòng công chứng do ngân sách nhà nước bao cấp gần như hoàn toàn (có mức cân đối giữa thu và chi dưới 10%

Tương ứng với khả năng tự trang trải về mặt tài chính của 3 loại phòng công chứng nêu trên thì quyền tự chủ về mặt biên chế, nhân sự và tài chính của từng loại phòng công chứng cũng ở những mức độ khác nhau.

 

Các tin khác