Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp làm được 100 đồng, phải chi mất 10 đồng “lo lót”

16/5/2017 16:24
VCCI cho biết, có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xác nhận phải trả các khoản chi phí không chính thức. Các doanh nghiệp thường phải trả loại chi phí này khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

 >> Số doanh nghiệp lót tay, chi phí ngoài luồng cho hải quan tăng lên
 >> Bị kiểm tra thuế quá nhiều, doanh nghiệp tăng "lót tay" để tránh bị "hành"
 >> Doanh nghiệp "nhỏ" đang chi khoản "to" cho phí lót tay

Báo cáo sơ kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thành để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN chuẩn bị diễn ra vào 17/5 tới.

 
Cộng đồng DN kỳ vọng lớn vào sự thay đổi môi trường kinh doanh nhờ Nghị quyết 35 của Chính phủ

“Nóng trên” nhưng “lạnh dưới”

Bản báo cáo cho hay, Nghị quyết 35 sau khi ban hành đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng DN. Cùng với việc thực hiện các mục tiêu nêu tại nghị quyết này, các chương trình hành động với những kế hoạch chi tiết cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, đa số các chương trình này lại đều không nêu rõ chế tài trong trường hợp hoạt động không được triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

Bên cạnh việc nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện nghị quyết, hoặc triển khai nghị quyết mang tính chất hình thức.

“Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu quả và tác động của nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN một cách kịp thời” – VCCI nhận xét.

Điển hình như, trên thực tế vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho DN.

Hoạt động hỗ trợ DN tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng DN than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều.

Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.

Mặt khác, nhiều DN có ý kiến về công tác đối chiếu thuế, lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm dẫn đến tình trạng DN đã đóng thuế nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế.

DN lép vế vì gánh nặng chi phí kinh doanh cao

Ngoài ra, báo cáo của VCCI cũng phản ánh, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.

Đặc biệt là, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

“Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam”, VCCI bày tỏ lo ngại.

Các khoản lót tay là một gánh nặng không hề nhỏ trong hoạt động kinh doanh của DN.
Các khoản lót tay là một gánh nặng không hề nhỏ trong hoạt động kinh doanh của DN.

Chưa kể, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao cũng gây khó khăn cho các DN vừa và nhỏ. Hầu hết các DN có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn.

Giá thuê mặt bằng là nguyên nhân dẫn đến các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu PCI, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm. Có từ 9-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014- 2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước.

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó.

Theo đó, các DN thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Hiện VCCI đang tiếp tục triển khai nghiên cứu độc lập và toàn diện để có bức tranh tổng thể hơn về nội dung này.

Bích Diệp

 

Các tin khác