Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Về vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam

22/4/2015 10:43
Hiện nay, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống ngày càng nhiều nên nhu cầu được mua và sở hữu nhà là hết sức quan trọng và cần thiết đối với họ. Hơn nữa, tiền thuê nhà trong vài năm của họ cũng đủ để mua một căn nhà. Cho phép người nước ngoài mua nhà là một việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước cũng đã là làm vậy, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

 
 

Hiện nay, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống ngày càng nhiều nên nhu cầu được mua và sở hữu nhà là hết sức quan trọng và cần thiết đối với họ. Hơn nữa, tiền thuê nhà trong vài năm của họ cũng đủ để mua một căn nhà. Cho phép người nước ngoài mua nhà là một việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước cũng đã là làm vậy, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Vì thế, việc thí điểm cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở được đặt ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh sống và làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam, từ đó góp phần thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, có khoảng 81.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống. Trong đó, gần 25.000 người vào Việt Nam đầu tư, 1.600 người làm việc cho các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế và gần 54.000 người vào Việt Nam sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, sẽ có khoảng 10.000 người trong số 81.000 người nước ngoài đang làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam nằm trong diện có đủ điều kiện để mua nhà.

Ngày 03/6/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Chính sách này sẽ thí điểm trong 5 năm, kể từ 01/01/2009. Sau khi Nghị quyết hết hiệu lực, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua nhà ở Việt Nam tiếp tục được quyền sử dụng đến hết số thời gian đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Quốc hội mới chỉ cho thí điểm nên vẫn còn những hạn chế về loại nhà được mua, đối tượng được mua. Theo quy định tại Nghị quyết, cá nhân, các tổ chức nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam được mua, sở hữu căn hộ tại chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại trong thời hạn tối đa là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (đối với cá nhân nước ngoài), và thời hạn tương ứng với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp (đối với tổ chức nước ngoài). Mỗi cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà tại Việt Nam chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu một số căn hộ chung cư cho nhân viên của mình. Căn hộ đó chỉ được dùng vào mục đích để ở chứ không được cho thuê, làm văn phòng hay sử dụng vào mục đích khác.

Thủ tục mua bán nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được áp dụng như đối với công dân ở trong nước, các tranh chấp về nhà ở sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Để mua nhà tại Việt Nam, cá nhân và tổ chức nước ngoài phải có một trong các điều kiện sau:

1/ Cá nhân có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;

2/ Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định;

3/ Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;

4/ Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam;

5/ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó.

Nghị quyết cũng qui định, cá nhân nước ngoài (nêu trên) được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam với điều kiện phải đang sinh sống tại Việt Nam, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên, và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi về ngoại giao của pháp luật Việt Nam.

Đối với tổ chức nước ngoài phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, hoặc giấy tờ chứng nhận hoạt động đầu tư tương ứng với lĩnh vực đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Trường hợp cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và bị trục xuất khỏi Việt Nam thì nhà ở đó được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải bán, tặng hoặc cho nhà ở đó;

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp đó bao gồm cả thời hạn được gia hạn thêm. Trường hợp khi hết hạn đầu tư, giải thể, phá sản, thì nhà ở của doanh nghiệp được xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, về phá sản và các quy định khác của pháp luật Việt Nam...

Ngày 03/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2009. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn về giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, để chứng minh thuộc đối tượng được mua, thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, kèm theo một số yêu cầu cụ thể.

1/ Trường hợp là người vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải có tên trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương ứng còn thời hạn từ 1 năm trở lên hoặc có giấy chứng minh là thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

2/ Trường hợp là người được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh quản lý thì phải có hợp đồng thuê giữ chức danh quản lý hoặc có quyết định bổ nhiệm được lập bằng tiếng Việt.

3/ Trường hợp là người có công đóng góp với đất nước thì phải có Huân chương hoặc Huy chương của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng.

4/ Trường hợp là người có đóng góp đặc biệt cho đất nước thì phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan cấp Bộ phụ trách lĩnh vực có đóng góp và gửi tới Bộ Xây dựng xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép.

            5/ Trường hợp là người vào Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục - đào tạo... thì phải có văn bằng chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo giấy phép lao động hoặc giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

6/ Trường hợp là người có kỹ năng đặc biệt thì phải có giấy tờ xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam... kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam hoặc Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

            7/ Trường hợp là người kết hôn với công dân Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp kèm theo hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam.

Nghị định nêu rõ, để đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, các đối tượng trên phải có Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và có Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn thời hạn từ 1 năm trở lên cũng thuộc diện đối tượng được mua, thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải nộp một bộ hồ sơ hợp lệ tại Sở Xây dựng nơi có căn hộ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng thể hiện các nội dung trên Giấy chứng nhận và trình UBND cấp tỉnh ký. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không tính thời gian bổ sung giấy tờ (nếu có).

Đặc biệt, nghị định quy định những trường hợp đang có sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam thì không được sở hữu các nhà ở khác trong phạm vi toàn quốc. Các tổ chức, cá nhân người nước ngoài chỉ được mua nhà ở và các tổ chức, cá nhân Việt Nam sau khi bán nhà cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài phải công khai tên tuổi, địa chỉ người nước ngoài sở hữu tại Việt Nam trên mạng Internet, cụ thể là website của Bộ Xây dựng để tiện việc theo dõi, giám sát./.

                                                            Nguyễn Thị Thanh Hà

 

Các tin khác