Với những dấu hiệu oan sai đã rõ, tôi đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương đốc thúc việc điều tra lại vụ Huỳnh Văn Nén, Đại biểu Lê Thị Nga nói.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng chiều 28/10 (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII), nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề án oan sai thời gian qua.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) cho ý kiến: “Còn tình trạng tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, sau đó, tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên không có tội.
Vấn đề này đề nghị tòa án cần phân tích, xác định rõ trách nhiệm của thẩm phán để có hướng xử lý nghiêm khắc.
Báo cáo của Chính phủ không đề cập đến việc bị can được cơ quan điều tra đình chỉ điều tra do oan sai mà chỉ nêu đã xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố 2 điều tra viên để gây ra oan sai, bức cung nhục hình.
Vậy, số liệu ngành để xảy ra oan sai là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung rất quan trọng này cho Quốc hội biết để giám sát.
Các báo cáo đều không để cập việc xử lý kiểm sát viên và thẩm phán đã gây ra oan sai. Đề nghị cả hai ngành báo cáo rõ vấn đề này cho Quốc hội và nhân dân được biết”.
Về vấn đề bồi thường, bồi hoàn cho oan sai, Đại biểu Huỳnh Nghĩa nói: “Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc.
Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009, trong đó dành hẳn chương 7 quy định trách nhiệm hoàn trả cho oan sai gây nên tại Khoản 1 Điều 56:
“Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả Ngân sách Nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị hại.
Nhưng 6 năm qua, chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai tổ chức thi hành nghiêm túc quy định này, mặc dù rất nhiều cử tri đã đề nghị Quốc hội cho ý kiến”.
Đại biểu Lê Thị Nga nói về oan sai Huỳnh Văn Nén tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Kết thúc bài phát biểu của mình, Đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bày tỏ ý kiến xin Quốc hội nửa phút để nói về hoạt động hậu giám sát oan sai của Quốc hội, trong đó có vụ án về Huỳnh Văn Nén.
“Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao đã tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, ngày 22/10 vừa qua đã chỉ đạo kiểm tra và cho Huỳnh Văn Nén được tại ngoại sau 17 năm tù giam.
Với những dấu hiệu oan sai đã rõ mà đoàn cán bộ giám sát đã chỉ ra thì tôi đề nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương đốc thúc việc điều tra lại.
Nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và xác định bồi thường mà không phụ thuộc vào việc có tìm ra ai là thủ phạm giết nạn nhân Lê Thị Bông hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và theo yêu cầu của Nghị Quyết 96 của Quốc hội.
Xin cảm ơn Quốc hội”, Đại biểu Lê Thị Nga nói.