Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức pháp chế

14/6/2015 2:37
(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

 

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các tổ chức pháp chế và đội ngũ người làm công tác pháp chế, công tác pháp chế đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao một bước; tổ chức pháp chế từng bước được thành lập, củng cố, kiện toàn tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng được nâng cao; cơ chế phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các mặt công tác pháp chế giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức từng bước được xác lập…..

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn có một số vấn đề khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác pháp chế trong thời gian vừa qua.

Căn cứ vào kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế triển khai công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Dự thảo tập trung vào sửa đổi, bổ sung 5 nội dung gồm: 1- Sửa đổi tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và người đứng đầu tổ chức pháp chế; 2- Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; 3- Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế gồm: bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định mới ban hành (hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính); sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhưng sau đó có sự sửa đổi, bổ sung (phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật); 4- Bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc bố trí biên chế cho công tác pháp chế; 5- Sửa đổi, bổ sung một số các điều, khoản cụ thể có liên quan.

Đề xuất 2 phương án quy định tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế

Về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thì người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn nêu trên là khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, nhất là ở các địa phương. Theo kết quả thống kê, hiện nay cả nước còn 1840/6272 người làm công tác pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa có trình độ cử nhân Luật (trong đó ở địa phương là 1136 người). Tại một số Bộ, ngành và một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những cơ quan có tính chất chuyên ngành như y tế, tài chính, công thương, giao thông vận tải…, thì việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy có nhiều bất cập và không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước, việc tuyển dụng người đứng đầu tổ chức pháp chế gặp nhiều vướng mắc vì không đáp ứng được tiêu chuẩn nêu trên.

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định: Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên.

Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên, trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật thì phải có trình độ cử nhân chuyên ngành và có thời gian ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.

Viên chức pháp chế là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên, trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật thì phải có trình độ cử nhân chuyên ngành và có thời gian ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.

Người đứng đầu tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm làm công tác pháp luật. Người đứng đầu tổ chức pháp chế ở các cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.

Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Tuệ Văn

Các tin khác