Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, chính sách hình sự đặc biệt chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản quy phạm.
Tên gọi "chính sách hình sự đặc biệt" được đề cập trong cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 4/9 khi Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc nói về vụ đại án MobiFone mua AVG.
Theo ông Ngọc, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) kiến nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với những bị can tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo để làm rõ sai phạm. Đây là chính sách khoan hồng nhằm ghi nhận sự hợp tác trong khai báo và khắc phục hậu quả của những người có hành vi phạm tội.
Trong bản Kết luận điều tra vụ án ra ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" với 12 trong 14 bị can do đánh giá là những người thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác, nộp tiền để khắc phục hoàn toàn hậu quả gây ra... Trong "danh sách này" không có bị can Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết, khái niệm chính sách hình sự đặc biệt không được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, nó chưa có định nghĩa chính thức. Căn cứ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian gần đây, luật sư thấy chính sách hình sự đặc biệt là khái niệm chưa phổ biến.
Với giải thích nêu trên của cơ quan điều tra, ông Vinh cho rằng có thể hiểu đây là chính sách khoan hồng của Nhà nước và "chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo trong một số trường hợp nhất định", không áp dụng mang tính đại trà. Về nguyên tắc, người được áp dụng chính sách này đương nhiên phải thuộc một trong các trường hợp sau: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Người vi phạm còn phải khắc phục được phần lớn hậu quả xảy ra chứ không thể khắc phục theo kiểu hình thức. Nếu việc khắc phục quá nhỏ, không tương xứng với hậu quả, họ chỉ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 và như thế sẽ "không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt".
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình cho biết Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự 2015 đều không quy định thế nào là chính sách hình sự đặc biệt. Chính sách này được hiểu là một bộ phận của các quy định pháp luật áp dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời điểm khác nhau.
Trong một vụ án cụ thể, cơ quan điều tra, truy tố và xét xử sẽ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự để áp dụng với các bị can, bị cáo. HĐXX có thể tuyên bị cáo hình phạt dưới khung hoặc thậm chí là miễn hình phạt song vẫn phải dựa vào quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
"Chính sách hình sự đặc biệt dù không quy định trong luật nhưng cũng không thể tùy tiện áp dụng cho bất kỳ ai mà vẫn phải dựa vào luật", luật sư Bình nói.