Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Bộ Tư pháp: Chưa vụ oan sai nào được bồi thường đúng hạn

1/6/2017 16:57
6 năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước cho thấy việc thu hồi tiền bồi thường từ cán bộ gây oan sai mang tính tượng trưng, nể nang nên chưa đủ sức răn đe

Ông Nguyễn Việt Hưng, Cục phó Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) trao đổi về trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường với người gây oan sai.

- Ông cho biết nhà nước thu hồi tiền bồi thường oan sai đã chi từ những người gây oan sai bằng cách nào?

- Theo Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ phải hoàn trả trong trường hợp cố ý gây thiệt hại.

Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ do cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thành lập Hội đồng để thực hiện sau 20 ngày, kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.

Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả phải căn cứ vào: (i) Mức độ lỗi của người thi hành công vụ; (ii) Mức độ thiệt hại đã gây ra và (iii) Điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.

 

- Ông đánh giá thế nào hiệu quả răn đe với người gây oan sai trong quy trình thu hồi tiền bồi thường này?

- Thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước những năm qua cho thấy, quy định của pháp luật về hoàn trả còn thấp và mang tính tượng trưng là chính.

Thứ hai, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả còn chưa được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường làm nghiêm túc vì nể nang. Chế tài xử lý thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa cụ thể.

Vì thế, quy định về trách nhiệm hoàn trả chưa đủ sức răn đe với người thi hành công vụ nói chung và người thi hành công vụ gây thiệt hại nói riêng. 

- Một số vụ oan sai đã chi trả số tiền bồi thường lớn như trên 20 tỷ đồng cho ông Lương Ngọc Phi (ở Thái Bình), hơn 7 tỷ cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)..., có ý kiến khả năng nhà nước được hoàn trả từ người gây oan sai là "không tưởng". Quan điểm của ông thế nào?

- Điều này tùy thuộc vào việc có xác định được trong quá trình thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đó, những người tham gia có hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hay cố ý ra bản án trái pháp luật hay không.

Nếu xác định được hành vi cố ý thì mới căn cứ vào quy định như đã nêu để xác định mức hoàn trả cho từng trường hợp. Luật quy định chỉ trường hợp người thi hành công vụ bị xét xử bằng một bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền bồi thường Nhà nước đã chi trả.

 

- Khi xác định có người bị oan sai, cơ quan nhà nước liên quan trách nhiệm phải thiện chí, chủ động nhanh chóng bồi thường bù đắp thiệt hại nhưng thủ tục hiện hành dường như là cơ chế xin - cho. Ông giải thích thế nào về việc này?

- Theo quy định hiện hành, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường từ khâu thụ lý đến khi ban hành quyết định giải quyết bồi thường thời hạn từ 90 đến 105 ngày.

Qua 6 năm thi hành, chưa có vụ việc giải quyết bồi thường nào thực hiện đúng thời hạn mà đều vượt quy định. Nguyên nhân trước hết do người bị thiệt hại không cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng cứ để chứng minh thiệt hại do thời gian bị oan hay đi kêu oan dài, không thể lưu trữ đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu làm chứng cứ.

Thứ hai, quy định về các thiệt hại và mức thiệt hại được bồi thường trong luật hiện hành chưa được quy định cụ thể, nên gây khó khăn cho việc xác minh, định giá, giám định thiệt hại.

Thứ ba, trong quá trình thương lượng người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường ít khi thống nhất được thiệt hại các mức bồi thường được ngay, nên phải thương lượng nhiều lần, gây kéo dài thời gian giải quyết.

Thứ tư, thiếu chế tài xử lý các hành vi không tích cực giải quyết bồi thường hoặc không hợp tác với cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường…

Theo tôi, đây là những nguyên nhân cơ bản làm kéo dài thời gian giải quyết bồi thường, gây bức xúc cho dư luận.

- Cục Bồi thường có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?

- Khắc phục hạn chế này, trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) đã quy định cụ thể về các thiệt hại được bồi thường, các mức bồi thường, căn cứ về thời hạn để tính thiệt hại, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết...

Bảo Hà thực hiện

 

Các tin khác