Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tin tức - Sự kiện

Nhiều luật “chết yểu”

19/4/2015 10:15
Trình độ của đội ngũ xây dựng, thẩm định văn bản ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế hoặc chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc, vì cục bộ ngành, lợi ích nhóm...

 

18/04/2015 21:54

Trình độ của đội ngũ xây dựng, thẩm định văn bản ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế hoặc chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc, vì cục bộ ngành, lợi ích nhóm...

Có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của nước ta còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn, như: chất lượng một số luật ban hành còn thấp, số lượng văn bản dưới luật quá lớn, dẫn đến khó kiểm soát được tính hợp hiến, hợp pháp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn. Ngoài ra, tình trạng cùng một vấn đề nhưng giao cho nhiều bộ, ngành quản lý nên ban hành các quy định khác nhau dẫn đến khó áp dụng, thực hiện trên thực tế.

Loay hoay sửa đổi, bổ sung, thay thế

Riêng vấn đề “tuổi thọ” của các văn bản pháp luật ở nước ta thì phải nói là ngắn. Thậm chí, nhiều văn bản mới ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là cứ đến kỳ họp Quốc hội (QH) hay họp Chính phủ, hàng loạt văn bản luật được đưa ra bàn bạc, cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Số lượng văn bản được đưa ra sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều hơn số lượng văn bản ban hành mới, dù các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh không có nhiều thay đổi. Cũng vì văn bản ở trung ương sửa đổi, quy định mới nên hàng loạt VBQPPL mà địa phương ban hành cũng phải sửa đổi theo.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do khả năng, trình độ của đội ngũ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL  ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, yếu kém nên nhiều văn bản mới ban hành không có tính khả thi, chồng chéo, bất cập. Nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng đôi khi được thông qua vội vã mà không được tổng kết, đánh giá từ thực tiễn, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành. Điều này tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức - có thể thấy rõ ở Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp…

 

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng hiện nay, các bộ liên quan vẫn còn chưa rõ thẩm quyền của mình trong quản lý các trường CĐ, trung cấp. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên
Trường CĐ Kỹ thuật Cao ThắngẢnh: Tấn Thạnh

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng hiện nay, các bộ liên quan vẫn còn chưa rõ thẩm quyền của mình trong quản lý các trường CĐ, trung cấp. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng Ảnh: Tấn Thạnh

 

“Chừa lại để lần sau có cái sửa”

Tình trạng chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc hoặc vì cục bộ ngành đã dẫn đến việc chú trọng ban hành các văn bản có lợi cho ngành, lĩnh vực mình quản lý và đẩy cái khó, phức tạp cho ngành, cơ quan khác hoặc cho công dân, tổ chức. Ngoài ra, không loại trừ việc ban hành VBQPPL nhằm trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm.

Theo một số chuyên gia pháp luật, nhiều trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo biết rất rõ việc quy định như vậy là chưa đầy đủ, thiếu hợp lý nhưng vẫn cứ tham mưu ban hành với mục đích “chừa lại để lần sau có cái sửa”. Bởi lẽ, khi sửa đổi, bổ sung, thay thế VBQPPL thì cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo đều có việc để làm và được bổ sung kinh phí cũng như các lợi ích khác (như được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số ngành, địa phương hoặc đi nước ngoài...).

Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc VBQPPL được ban hành ngày càng nhiều nhưng chồng chéo, trùng lặp. Thậm chí, nhiều văn bản chưa có hiệu lực thi hành hoặc mới thực thi được vài tháng đã “được” đề nghị sửa đổi, bổ sung. Đôi khi, các phần sửa đổi, bổ sung lại không quá cấp thiết, quan trọng; nội dung “lặt vặt”, “lắt nhắt”…; làm khó cho người dân, tổ chức và cơ quan thực thi pháp luật cũng “rối”, khó áp dụng.

 

Văn bản hướng dẫn cao hơn luật?

Hiện nay, năng lực cũng như chuyên môn của các đại biểu QH đã được quy định trong Luật Tổ chức QH. Luật Ban hành VBQPPL cũng khá hoàn thiện, quy định rõ trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ chặt chẽ của các chủ thể trong tất cả các khâu của quá trình xây dựng văn bản quy phạm.

Điều bất cập và tồn tại lâu dài trong hệ thống pháp luật của nước ta là luật được ban hành có hiệu lực rồi nhưng thường chưa thể thi hành được ngay mà vẫn phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn. Nói cách khác, những văn bản hướng dẫn thi hành luật quan trọng hơn cả luật. Chính từ những bất cập này đã dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Điển hình là Luật Xử lý vi phạm hành chính được QH thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 nhưng do chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành liên quan về xử lý người nghiện khiến nhiều tỉnh, thành không thể xử lý, dẫn đến nhiều hệ lụy khác như gia tăng các vụ phạm pháp hình sự.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn với luật khác, không có tính khả thi, khó đi vào cuộc sống, quy định khung còn nhiều và nhất là thiếu tính dự báo dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung một cách quá nhanh. Đây được xem là những hạn chế lớn nhất, xuất phát từ các chủ thể của từng khâu xây dựng pháp luật đã không chấp hành đúng pháp luật.

Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

 

Ông Thái Thanh Hùng, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng:

Lắng nghe dân để đưa ra luật phù hợp

Nhân dân, cử tri cả nước rất quan tâm đến các văn bản luật, nghị định mới. Khi QH làm được nhiều luật phù hợp với thực tế thì cử tri cả nước hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, trong quá trình làm luật, nhiều khi chúng ta chưa lắng nghe hết ý kiến của nhân dân hoặc dân đóng góp nhưng không được nghiên cứu, tiếp thu. Có những luật QH đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành thì nhân dân, người lao động, các đối tượng liên quan... thấy chưa phù hợp nên bày tỏ ý kiến. Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua đã gây bức xúc nên Thường vụ QH đã nhanh chóng tiếp thu.

Chính vì thế, với tư cách là đại biểu HĐND, tôi mong các đại biểu QH cần phải lắng nghe ý kiến của dân hơn nữa, phải đi sát vào thực tế đất nước, trình độ dân trí, dân sinh của người dân. Nhiều luật bị phản ứng không có gì sai nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế của người được hưởng quyền lợi nên họ không chấp nhận. QH phải nghiên cứu làm sao đừng để tình trạng đó xảy ra nữa. Đại biểu QH phải lắng nghe ý kiến của dân. Người dân tham gia góp ý mà không được tiếp thu thì họ sẽ không mặn mà nữa. Phải để người dân thấy trách nhiệm của họ trong việc tham gia làm luật. Như vậy, những luật mới ban hành sẽ phù hợp với thực tế hơn. Đừng để đưa ra luật rồi gặp phản ứng mới lo sửa đổi.

B.Vân ghi

Luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng Luật Bến Nghé - Sài Gòn:

Luật chưa gắn với cuộc sống

Pháp luật là cái áo mặc chung cho cả xã hội - đó là một câu nói dân dã với mong muốn rằng mỗi quy định pháp luật phải gắn với cuộc sống, có khả năng áp dụng ngay, đồng thời được người dân ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều quy định pháp luật ở nước ta khi đưa vào áp dụng thì bị dư luận, người dân phản ứng, nên luật vừa mới ban hành đã phải thay đổi. Điển hình là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bị công nhân phản đối về quy định không cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì ảnh hưởng tới lợi quyền của họ. Trước sự phản ứng của họ, tổ chức Công đoàn đã kiến nghị Chính phủ và QH xem xét sửa luật. Để xảy ra tình trạng này là do khi soạn thảo luật, các cơ quan chức năng đã không nghiên cứu một cách đầy đủ cả về mặt lý luận cũng như đánh giá tác động các quy định đó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống công nhân. Đáng lẽ ra phải thực hiện việc lấy ý kiến của mọi tầng lớp người lao động để họ góp ý cho dự thảo luật hoàn thiện hơn trước khi đệ trình, thông qua.

Nên chăng, cần phải thực hiện việc trưng cầu dân ý đối với các dự thảo luật quan trọng của đất nước? Bởi lẽ, khi mà người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ thì chắc chắn dự luật đó được thông qua sẽ có sức sống vững bền.

H.Đặng ghi

 

Một chuyên gia của Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP HCM - Hội Luật gia Việt Nam cho biết cách đây vài năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng rà soát 16 đạo luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tồn tại lâu nhất là Luật Xây dựng và Luật Kế toán (8 năm), còn lại trung bình chỉ 3-6 năm đã phát sinh nhiều điểm bất cập đến mức phải sửa đổi, bổ sung; nhiều luật đã ban hành lần thứ 2, 3..., thậm chí có cả những văn bản dưới luật có giá trị dưới 1 tháng. Một số bộ luật, luật rất cần phải làm mới hoàn toàn như Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản... Nhiều quy định, thủ tục không cần thiết hoặc thiếu minh bạch, thậm chí gây cản trở, khó khăn cho việc thành lập doanh nghiệp, hiện thực hóa dự án đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn từng nhận xét những năm gần đây, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm đã có tác động nhất định vào việc soạn thảo luật, nghị định và rõ hơn là trong các thông tư. Từ tư duy làm luật chưa được sáng tỏ dẫn đến tình trạng lùng nhùng trong soạn thảo các luật. Nhiều quy định pháp luật xa rời thực tế, không hợp lý dẫn đến không thể áp dụng được, gây lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp và cả nhà quản lý.

L.Duy

 

Phạm Văn Chung

 

Các tin khác