Bồi thường khi gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp
Câu hỏi
Anh M là lái xe của Công ty C. Do sơ suất anh M đã làm vỡ gương chiếc xe ô tô của Công ty C, trị giá 3.000.000 đồng. Công ty C yêu cầu anh M phải bồi thường số tiền trên. Nhưng vì anh M chưa có ngay số tiền đó nên Công ty C đã trừ dần vào lương của anh M. Xin hỏi, Công ty C làm như vậy có đúng không và pháp luật quy định như thế nào trong trường hợp này về bồi thường?
Câu trả lời
Điều 89 Bộ luật Lao động quy định: người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về thiệt hại đã gây ra. Nếu gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, thì phải bồi thường nhiều nhất ba tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất thì mức thiệt hại được coi là không nghiêm trọng theo Điều 89 của Bộ Luật lao động là mức thiệt hại gây ra dưới 5 triệu đồng.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, thì thiệt hại do anh M gây ra là thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, chính vì vậy, số tiền mà anh M phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương. Như vậy, nếu số tiền 3.000.000 đồng tương đương hoặc ít hơn số tiền 3 tháng lương của anh M thì việc làm của công ty C là phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu số tiền 3.000.000 đồng lớn hơn số tiền 3 tháng lương của anh M thì công ty C phải hạ mức bồi thường xuống, nhiều nhất là 3 tháng lương của anh M và khấu trừ dần vào lương.