Quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và vấn đề giữ giấy tờ của người lao động theo Bộ luật Lao động năm 2012
Câu hỏi
Sau khi ra trường tôi được bệnh viện gửi vào bệnh viện khác học việc và trợ cấp mỗi tháng 500.000đ khi bệnh viện còn chưa hoạt động, thời gian đi học khoảng được 6 tháng. Từ đó đến nay bệnh viện giữ bằng của tôi. Sau khi học xong tôi về làm cho bệnh viện được 14 tháng, do bất đồng với bệnh viện nên tôi bỏ làm nhưng bệnh viện không trả bằng cho tôi. Tuy nhiên, trong hợp đồng lao động bệnh viện yêu cầu ký kết với điều khoản nếu bỏ việc trước 5 năm thì tôi phải bồi thường cho bệnh viện 100 triệu. Vậy giờ tôi phải làm gì để chấm dứt hợp đồng đó và lấy lại bằng của mình?
Câu trả lời
1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:
Tất cả người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn theo các điều kiện quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012.
Theo quy định nói trên, việc thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động căn cứ vào loại hợp đồng lao động:
- Trường hợp người lao động đã được ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để đơn phương chấm dứt hợp đồng cần người lao động phải có các lý do nêu tại điểm a đến điểm g khoản 1 Điều 37 và tuân thủ thời hạn báo trước tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.
- Trường hợp người lao động đã được ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo như bạn trình bày, trong hợp đồng lao động bạn đã cam kết nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải đền bù thiệt hại cho bệnh viên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về ký kết hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có bất kỳ một quy định nào cho phép người sử dụng lao động được quyền yêu cầu người lao động phải bồi thường khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật. Người lao động chỉ phải bồi thường cho người sử dụng lao động trong một số trường hợp như có các hành vi làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 23 của Bộ luật Lao động năm 2012 hoặc người lao động phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp làm hư hỏng, thiệt hại các tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Mục 2 Chương VIII Bộ luật Lao động năm 2012.
Trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì nghĩa vụ bồi thường của bạn phải thực hiện theo quy định của Điều 43 Bộ luật Lao động chứ không phải theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.
Như vậy, để có thể chấm dứt hợp đồng lao động giữa bạn và bệnh viện, bạn phải thực hiện các thủ tục tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012. Việc bạn tự ý bỏ việc là hành vi vi phạm quy định của Bộ luật Lao động. Nếu bệnh viện của bạn có đủ các chứng cứ chứng minh bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn không phải bồi thường 100 triệu mà chỉ phải bồi thường những khoản tiền sau: nửa tháng tiền lương, khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước và hoàn trả chi phí đào tạo cho bệnh viện theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 2012.
2. Vấn đề giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi ký kết hợp đồng lao động
Trước đây, các quy định của Bộ luật Lao động chưa có quy định về vấn đề này nên các tranh chấp liên quan đến việc người lao động đòi lại các giấy tờ và văn bằng gốc mà người sử dụng lao động đã giữ lại khi ký kết hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 thì việc giữ bản chính, giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là hoạt động đã bị pháp luật nghiêm cấm. Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Như vậy, việc bệnh viện giữ lại văn bằng của bạn là một hành vi vi phạm quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Bạn có quyền đưa ra các bằng chứng chứng minh việc bệnh viện đã giữ lại giấy tờ của bạn và yêu cầu bệnh viện phải trả lại các giấy tờ đó theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 10/2012/QH13 Lao động
Trả lời bởi: CTV2