Giải quyết tranh chấp giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012
Câu hỏi
Do những bất đồng giữa các thành viên trong công ty, trụ sở công ty ba tôi bị niêm phong khiến cho nhiều người lao động không nhận được sổ bảo hiểm đúng thời hạn. Sự việc này khiến 19 người lao động như ba tôi ở tuổi nghỉ hưu mà không được thanh toán các khoản bảo hiểm theo luật định. Hiện nay, pháp luật có những cơ chế gì bảo vệ quyền lợi cho những người như ba tôi hay không?
Câu trả lời
Theo quy định tại Chương XIV Bộ luật Lao động năm 2012, khi xảy ra các tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động thì trước hết các bên phải thương lượng trực tiếp, tự dàn xếp để giải quyết tranh chấp. Nếu tiến hành thương lượng, hòa giải không thành thì một trong hai bên có quyền khởi kiện tới các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể người lao động cùng làm việc trong doanh nghiệp hoặc một bộ phận của doanh nghiệp với người sử dụng lao động.
Theo như bạn trình bày, bạn không cung cấp thông tin là bố của bạn hay cả 19 người lao động như bố của bạn muốn yêu cầu bảo vệ quyền lợi lao động của mình nên chúng tôi giả sử nếu bố của bạn muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong quan hệ lao động thì thuộc vào trường hợp yêu cầu giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân.
Bộ luật Lao động 2012 tại Điều 200 về cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đã bỏ quy định liên quan đến thẩm quyền của hội đồng hòa giải cơ sở, chỉ giữ lại thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hòa giải viên lao động, theo đó:
“Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân.”
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động của hòa giải viên lao động được quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động 2012. Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 thì việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phải tiến hành qua hai bước sau:
Bước 1:
Khi có tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp sẽ được đưa ra hòa giải viên lao động để tiến hành hòa giải. Hòa giải viên lao động hướng dẫn các bên tranh chấp dàn xếp, thương lượng nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh.
- Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải chậm nhất năm ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải. Tại phiên họp hòa giải, phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện được uỷ quyền của họ.
- Hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hòa giải thì lập biên bản hòa giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp và của hòa giải viên lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.
- Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai theo giấy triệu tập hợp lệ mà không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Bản sao biên bản phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày hòa giải không thành. Mỗi bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp. Hồ sơ gửi Tòa án nhân dân phải kèm theo biên bản hòa giải không thành.
Bước 2:
Trong trường hợp những tranh chấp lao động cá nhân mà giải viên lao động hòa giải không thành thì những vụ việc này được Toà án nhân dân giải quyết.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012, Tòa án nhân dân sẽ giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân sau đây mà không nhất thiết phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, pháp luật có quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Án phí, lệ phí 2009 về việc người lao động được miễn tòan bộ tiền tạm ứng án phí, lệ phí trong trường hợp người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Như vậy, bố của bạn có quyền gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo các quy định của pháp luật nêu trên.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 10/2012/QH13 Lao động
Trả lời bởi: CTV2