Lập hồ sơ và thủ tục đối với người bị tai nạn lao động
Câu hỏi
Anh C là công nhân của xí nghiệp A, bị tai nạn lao động trong khi đang làm việc. Sau khi điều trị tại bệnh viện, anh C được đưa về nhà điều trị tiếp. Vậy xin hỏi việc lập hồ sơ và thủ tục đối với người bị tai nạn lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Câu trả lời
Theo quy định tại mục 1 Phần III Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì việc lập hồ sơ và thủ tục đối với người bị tai nạn lao động như sau:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ đối với người bị tai nạn lao động theo quy định sau:
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động theo theo quy định hiện hành của pháp luật;
+ Biên bản giám định (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động) của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền;
+ Quyết định bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ đối với người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định sau:
+ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo quy định hiện hành của pháp luật;
+ Biên bản xác định người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp của cơ quan Pháp y hoặc biên bản giám định xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp của Hội đồng giám định Y khoa có thẩm quyền;
+ Quyết định bồi thường của người sử dụng lao động.
- Hồ sơ được lập thành 03 bản:
+ Người sử dụng lao động giữ một bản;
+ Người lao động (hoặc người thân của người lao động bị chết) bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp giữ một bản;
+ Một bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 10/2003/TT-BLĐTBXH Về hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp