Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Bài Viết

Chức năng và nhiệm vụ của tòa án nhân dân

15/4/2015 10:8
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN

                                                                     

                                                                     PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải

                                                       Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 

Ở nước ta, trong bộ máy các cơ quan Nhà nước, toà án có một vị trí rất quan trọng. Cùng với quân đội, cảnh sát, công tố... toà án hợp thành một thứ vũ khí sắc bén đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật bảo vệ thành quả của cách mạng, chống lại sự phản kháng của các giai cấp đối kháng, góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Chính vì có vị trí quan trọng như vậy nên toà án là một trong số những cơ quan nhà nước ra đời sớm nhất. Chỉ 11 ngày sau khi Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 13/09/1945 Người đã kí Sắc lệnh thiết lập các toà án quân sự đánh dấu sự ra đời của ngành toà án ở nước ta.

Trong suốt 55 năm tồn tại và phát triển với bao thăng trầm của lịch sử, hệ thống toà án ở nước ta ngày càng được củng cố và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền lực trong quản lí xã hộinói chung và hoạt động tư pháp nói riêng. Bằng các Sắc lệnh được ban hành trong thời kì chống thực dân Pháp như Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán, Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền xét xử của toà án các cấp...Các quy định trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Luật tổ chức toà án nhân dân 1960, Hiến pháp1980, Luật tổ chức toà án nhân dân 1981, Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức toà án nhân dân 1992, tổ chức về hoạt động của toà án nhân dân ngày càng có các căn cứ pháp lí và đạt được hiệu quả cao. Mặc dù đất nước trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, từ giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954-1975 đến giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH từ 1975 trở đi và nay là giai đoạn cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng nhằm mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng toà án ở nước ta vẫn luôn thực hiện chức năng rất quan trọng là xét xử.

 Trong hiến pháp đầu tiên của nước ta được thông qua vào ngày 9/11/1946, mặc dù không có một điều luật cụ thể nào khẳng định toà án có chức năg xét xử, nhưng nội dung của các điều luật đều toát lên một nội dung là ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà việc xét xử các việc hình sự, dân sự, thương sự đều thuộc thẩm quyền của toà án. Chương VI của Hiến pháp 1946 với tên gọi "cơ quan tư pháp" có 7 điều quy định về tổ chức bộ máy và các nguyên tắc hoạt động của ngành toà án. Điều 63 Hiến pháp 1946 quy định: "Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có:
          a, Toà án nhân dân tối cao;

b, Các toà phúc thẩm;

c, các toà đệ nhị cấp và sơ cấp."Vào thời kì đó, khái niệm cơ quan tư pháp được hiểu theo nghĩa hẹp của từ này tức là xét sử, và vì vậy, có thể hiểu cơ quan tư pháp chính là cơ quan xét xử. Sau này các Điều 97 Hiến pháp 1959, Điều 128 Hiến pháp 1980 và gần đây nhất là Điều 127 Hiến pháp 1992 đều khẳng định ở nước ta Toà án nhân dân tối cao, các toà án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án khác do luật định đều là cơ quan xét xử. Nội dung các điều trên của các bản hiến pháp đã được cụ thể hoá trong Điều 1 Luật tổ chức toà án nhân dân được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 6/10/1992 tại kì họp thứ nhất.

Xét xử là một chức năng chỉ thuộc về toà án, không một cơ quan nhà nước, một tổ chức nào khác có thể thay thế toà án thực hiện chức năng xét xử. Khi thực hiện chức năng xét xử, toà án nhân danh Nhà nước xem xét nội dung vụ án hình sự và các loại tranh chấp khác để cuối cùng ra phán quyết ai đúng, ai sai. Chính vì nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng xét xử nên phán quyết của toà án cho dù nó được thể hiện bằng quyết định hay bằng bản án vẫn có giá trị bắt buộc đối với tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân.

Đối tượng xét xử của toà án trong hơn nửa thế kỉ qua ngày càng được mở rộng. Điều này được giải thích bởi khi xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều quan hệ xã hội cần phải điều chỉnh bằng pháp luật. Để thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh, Nhà nước phải thường xuyên ban hành pháp luật và cùng với sự ra đời của các văn bản pháp luật mới, nhiều ngành luật mới cũng ra đời. Sự đa dạng các ngành luật trong hệ thống pháp luật cũng chính là tiền đề làm phát sinh sự đa dạng của các hành vi và quyết định pháp lí. Và đến lượt nó,sự đa dạng của các hành vi và quyết định pháp lí làm phát sinh sự đa dạng của các tranh chấp giữa các chủ thể và các loại quan hệ pháp luật là cá nhân, pháp nhân, Nhà nước - đối tượng xét xử của toà án. Theo hiến pháp 1946; toà án chỉ xét xử các vụ hình sự, dân sự và thương sự. Luật tổ chức toà án nhân dân năm 1992 đã vừa mở rộng đối tượng xét xử của toà án vừa quy định cụ thể là các toà án xét sử những vụ hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình , lao động và những vụ án khác theo quy định của pháp luật (K2. Đ1).

Trong những năm gần đây, việc thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã mang lại nhiều thành tựu to lớn. Cơ chế kinh tế mới đã dần dần hình thành. Vấn đề bảo đảm dân chủ và bình đẳng trong hoạt động kinh tế  giữa các chủ thể kinh doanh đòi hỏi một cơ chế mới giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế không còn phù hợp, việc giải quyết các tranh chấp kinh tế cần thiết phải giao cho toà án. Vì thế Luật tổ chức toà án nhân dân năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức toà án nhân dân năm 1992 được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1993 với nội dung các toà kinh tế thuộc toà án nhân dân tối cao và các toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện với chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế khi có yêu cầu từ phía các bên tranh chấp. Tiếp theo, ngày 28/10/1995 Quốc hội lại thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức toà án nhân dân năm 1992  và đã được sửa đổi, bổ sung năm 1993. Theo luật mới này, trong Toà án nhân dân tối cao và các toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập thêm các toà chuyên trách là Toà hành chính và Toà lao động để xét xử cá vụ án về hành chính và các vụ án về lao động. Như vậy, cho tới thời điểm này, ở nước ta, với vai trò là cơ quan xét xử, toà án không chỉ đơn thuần xét sử về hình sự và dân sự như trước đây mà thẩm quyền của toà án đã mở rộng hơn và nó thực hiện chức năng xét xử cả các tranh chấp về kinh tế, hành chính và lao động.

Giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh tế thực chất là quá trình áp dụng pháp luật của toà án. Đây cũng là một khâu trung tâm của hoạt động tư pháp và với vai trò nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng xét sử, toà án ra bản án hoặc quyết định có tính chất kết luận về vụ án với những nội dung quan trọng như có hay không có sự kiên pháp lí (có tội phạm hoặc tranh chấp hay không), ai hoặc bên nào là người có lỗi, trách nhiệm pháp lí của từng người hoặc từng bên như thế nào. Tham gia vào giải quyết các vụ án nói trên có một số cơ quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, giám định, luật sư (trong tố tụng hình sự) và viện kiểm sát, giám định, luật sư, công chứng (trong tố tụng hành chính, kinh tế, lao động, dân sự) nhưng không một cơ quan nào trong số các cơ quan nói trên được quyền ra phán quyết cuối cùng. Cơ quan điều tra có quyền đề nghị viện kiểm sát truy tố bị can ra toà, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra; viện kiểm sát có quyền truy tố bị can ra toà bằng bản cáo trạng, luận tội bị cáo, nhưng cả hai cơ quan này đều không có quyền khẳng định ai là người có tội, tội gì và phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào. Xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội, trong tố tụng hình sự, chỉ toà án mới có quyền phán quyết một người là có tội và cũng chỉ toà án mới được quyền áp dụng hình phạt với người phạm tội.

Trong tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, cho dù vụ án hay tranh chấp được khởi kiện bởi các bên đương sự hoặc khởi tố bởi viện kiển sát thì phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan xét xử là toà án, các chứng cứ do các bên đưa ra, ý kiến đề xuất giải quyết vụ án của viện kiểm sát có giá trị để toà án cân nhắc, đánh giá, xem xét trước khi bản án hoặc quyết định về vụ án hoặc tranh chấp đó.

Để thực hiện chức năng xét xử là xem xét các tranh chấp và ra các phán quyến bằng bản án hoặc quyết định, trong tố tụng kinh tế, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, lao động , toà án còn thực hiện nhiệm vụ điều tra , thu thập chứng cứ. Điều 3 Pháp lệnh các thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định: "Đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án có nhiệm vụ xem xét mọi tình tiết của vụ án và khi cần thiết có thể thu thập thêm chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác". Tương tự Điều 4 thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: "Khi cần thiết, toà án có thể xác minh, thu thập chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác".Quy định toà án có nhiệm vụ xác minh, thu thập chứng cứ phục vụ cho hoật động xét xử là một điều kiện bảo đảm cho hoạt động xét xử đạt chất lượng cao. Trong thực tiễn, các chứng cứ, tài liệu do các đương sự hoặc cácbên tranh chấp cung cấp không phải bao giờ cũng đầy đủ và phản ánh thực tế khách quan và để khắc phục điều này, toà án yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc công dân cung cấp các tài liệu, chứng cứ và trong những trườmg hợp cần phải xác minh tính chính xác của các tài liệu, chứng cứ, toà án ra quyết định trưng cầu giám định.

Theo quy định của các pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, trước khi xét xử, các đương sự, các bên có quyền hoà giải với nhau. Điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định; 'Người khởi kiện có quyền rút đơn khởi kiện, thay đổi nội dung đơn kiện, các đương sự có quyền hoà giải với nhau." và Điều 36 quy định: "Trước khi mở phiên toà, toà án tiến hành hoà giải để các đương sự có thể hoà giải với nhau về việc giải quyết vụ án...khi các đương sự thoả thuận được với nhau về viêch giải quyết vụ ánthì toà ná lập biên bản hoà giải thành và ra quyết định cộng nhận sự thoả thuận của các đượng sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật". Trong các văn bản quy định về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, lao động cùng có các quy định về thủ tục hoà giải tương tự. Như vậy, có thể nói quá trình giải quyết các vụ án kinh tế, dân sự, hành chính, lao động, hoà giải được coi là bắt buộc. Tham gia vào quá trình hoà giải của các đương sự hoặc các bên, toà án hướng dẫn, giải thích cho họ để họ có những thoả thuận hoàn toàn theo ý chí của mình nhưng không trái với các quy định của pháp luật. Trong thực tế, sự thoả thuận của các bên, các đương sự trong quá trình hòa giải rất có thể bị vi phạm hoặc không được thực hiện, vì vậy, để thoả thuận ấy trở thành hiện thực và hai bên phải có nghĩa vụ tuân theo thì thoả thuận đó phải được "pháp luật hoá" bởi một quyết định công nhận của toà án. Quyết định này cũng như các quyết định khác hoặc bản án của toà án có hiệu lực pháp luật và các bên tham gia hoà giải có nghĩa vụ thực hiện. Vì vậy, có thể nói rằng, trong quá trình hoà giải giữa các đương sự, ngoài nhiệm vụ làm người hướng dẫn, định hướng, giải thích pháp luật cho các bên toà án còn thực hiện nhiệm vụ của một cơ quan nhân danh Nhà nước pháp luật hoá hay nói cách khác là ghi nhận sự thoả thuận của các bên trong quá trình hoà giải.

Phiên toà xét xử bất kể là vụ án gì, hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao độngthì nó vẫn là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân. Qúa trình thẩm vấn, tranh luận tại phiên toà thực chất là một cuộc điều tra công khai nhất, toàn diện nhất và dân chủ nhất. Chính tại phiên toà xét xử, dưới sự điều khiển của thẩm phán chủ toạ phiên toà, cac bên, các dương sự, bị cáo và những người tham gia khác có cơ hội bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về vụ án, và vì vậy, sự phán quyết của hội đồng xét xử bằng bản án hay quyết định với nội dung nào đều được coi là kêts quả của quá trình thẩm vấn và tranh tụng mà các bên đã được trực tiếp tham gia. Những người trực tiếp có mặt trong phòng xử án cũng như quần chúng nhân dân không có mặt nhưng được thông tin về phiên toà đều tiếp nhận được những kiến thức mới về pháp luật.

Vụ án hình sự, các tranh chấp về hành chính, kinh tế, lao động luôn là hậu quả của những yếu tố, những yếu tố nào đó được coi là những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Thông qua nhiệm vụ xét xử, toà án còn có nhiệm vụ phát hiện ra những nguyên hnân chủ quan, nguyên nhân khách quan, những thiếu sót trong công tác quản lí của các chủ thể khác nhau dẫn đến tội phạm và vi phạm  để từ đó có những sáng kiến pháp luật hoặc kiến nghị với nhiều nội dung nhau gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Với vai trò là một bộ phận hợp thành của công cụ quản lí xã hội, vũ khí bảo vệ trật tự pháp luật ,hoạt động của toà án nhân dân hướng tới mục tiêu "bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân"./.