Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Bài Viết

Một số vấn đề pháp lý về đấu giá tài sản

18/11/2016 11:39
Đấu giá tài sản là hình thức mua bán đặc biệt (công khai, đề nghị đại chúng, lựa chọn người mua và tuân theo những trình tự riêng biệt), có lịch sử lâu đời (hình thành từ thời kỳ văn minh Hy Lạp cổ đại – khoảng 500 năm trước công nguyên).

Ở Việt Nam, đấu giá là phương thức mua bán không mới, nhưng chưa thực sự phổ biến như là một giao dịch thường xuyên trên thị trường. Trong những năm gần đây, đấu giá đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về đối tượng, chủ thể, loại hình và phương thức thực hiện. Bên cạnh các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của Nhà nước, đã có nhiều doanh nghiệp bán đấu giá được thành lập theo chủ trương xã hội hóa về hoạt động đấu giávà các hội đồng bán đấu giá tài sản, tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức tín dụng có thể tự tổ chức bán đấu giá tài sản theo chức năng…

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, về tài sản bán đấu giá, cụ thể như sau:
Điều 456 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định”. Theo đó, tài sản bán đấu giá được xác định như là một tài sản thông thường trong giao lưu dân sự, và chỉ bị hạn chế khi bị cấm hoặc phải tuân thủ những quy chế đặc biệt.
Tài sản bán đấu giá theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể là vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản; tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức; tài sản đơn chiếc, hoặc tài sản được cấu thành bởi một tổ hợp các vật, các bộ phận khác nhau (vật chính, vật phụ hoặc vật đồng bộ); tài sản tự do lưu thông hoặc tài sản bị hạn chế lưu thông (tài sản chịu những quy chế đặc biệt trong lưu thông, như: quyền sử dụng đất, cổ vật, tần số vô tuyến)
Nhưng đến Nghị định số 17/2010/NĐ-CP hướng dẫn quy định của Bộ luật dân sự về tài sản đấu giá, đã liệt kê những tài sản bán đấu giá bao gồm: động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 2).
Quy định này không thể hiện đầy đủ nội hàm của tài sản bán đấu giá trong Bộ luật dân sự, vừa khó thi hành đối với những tài sản có đặc thù về tính chất và pháp lý, như:
- Tài sản đấu giá là tài sản được hình thành trong tương lai: chưa có một quy chế pháp lý riêng trong đấu giá để bảo đảm cho tài sản được hình thành trong tương lai trở thành đối tượng đấu giá, hạn chế rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
- Tài sản đấu giá là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: Luật di sản văn hóa quy định “việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo giá thỏa thuận hoặc tổ chức đấu giá. Nhà nước được ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” (khoản 2 Điều 43).
Trên thực tế vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, ví dụ: điều kiện bảo đảm vật đem gia đấu giá là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia? quyền ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của nhà nước có được áp dụng trong đấu giá không? nếu có nó phá vỡ các nguyên tắc của đấu giá không và được thể hiện trên phương diện nào? quyền của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài trong tham gia đấu giá cổ vật như thế nào?…
- Tài sản đấu giá là quyền tài sản: là quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với phần vốn góp trong công ty, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet,…
Pháp luật chưa bao quát hết các quyền tài sản có thể tham gia đấu giá. Ví dụ: chưa có giải pháp pháp lý phù hợp cho việc công khai quyền tài sản được đem ra đấu giá; đấu giá quyền sở hữu trí tuệ mới được quy định cụ thể trong pháp luật thi hành án dân sự, nhưng lại thiếu quy định về đấu giá quyền sở hữu trí tuệ theo ý chí của chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ; theo Bộ luật dân sự, các chủ thể hợp đồng có thể chuyển giao quyền yêu cầu, nghĩa vụ theo hợp đồng cho chủ thể khác (Điều 309 – Điều 317).
- Tài sản đấu giá có hoa lợi, lợi tức gắn liền: việc đấu giá loại tài sản này có thể ở ba trường hợp: (1) bán đấu giá tài sản gốc không bao gồm hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản; (2) bán đấu giá tài sản gốc bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản; (3) bán đấu giá hoa lợi, lợi tức, không bao gồm tài sản gốc. Pháp luật hiện hành chưa có sự bảo đảm về pháp lý, trong đấu giá có thể thực hiện được cả ba mục đích trên của người có tài sản bán đấu giá không? Nếu có, bán theo phương thức nào? Quyền của người bán tài sản đấu giá và người được mua tài sản bán đấu giá…;
- Tài sản đấu giá là vật đồng bộ hoặc vật bao gồm vật chính và vật phụ: đây là tài sản được cấu thành bởi một tổ hợp các vật, bộ phận khác nhau, khi tham gia đấu giá có thể bán đấu giá đối với từng vật, bộ phận cấu thành hoặc đối với cả tổ hợp vật dẫn tới sự khác biệt về phương thức đấu giá và xác lập quyền đối với tài sản bán. Pháp luật về đấu giá hiện hành chưa có quy định cụ thể về đấu giá loại tài sản này, trừ trường hợp đấu giá tài sản có tài sản gắn liền;
- Tài sản đấu giá là vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, gia súc bị thất lạc: theo Bộ luật dân sự, người phát hiện, người nhặt được những tài sản này sẽ được xác lập sở hữu đối với một phần giá trị của tài sản đó, phần còn lại thuộc sở hữu nhà nước. Như vậy, có thể cần phải đấu giá những tài sản này để xác định giá trị của tài sản, trên cơ sở đó xác định phần quyền của người phát hiện, người nhặt được vật và phần quyền của nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện được việc đấu giá vì chưa có quy định cụ thể của pháp luật, ví dụ: ai là người bán tài sản, người phát hiện, nhặt được vật hay là nhà nước?.
Tác giả bài viết: Xuân Long