Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá 13 đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, gồm 9 chương, 133 Điều với nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn, phù hợp và thực tế hơn đối với đời sống hôn nhân và gia đình. Trong đó, các quy định về chế độ tài sản chung của vợ chồng là nổi bật hơn cả.
Trước hết là về các nguyên tắc chung trong chế độ tài sản của vợ chồng
Tại quy định của Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận" và phải dựa vào nguyên tắc chung về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng là phải nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng; của các thành viên trong gia đình và của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.
Theo Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được xác lập phải phù hợp với các nguyên tắc sau: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và người khác thì phải bồi thường”.
Từ những quy định trên đã thể hiện rõ nhất tinh thần của luật khi thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình. Đồng thời cũng xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng, gia đình. Khi một bên vợ hoặc chồng vi phạm quy định của chế độ tài sản mà gây thiệt hại cho bên kia hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba ngay tình thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường. Đây là những điểm mới được kế thừa và phát triển các quy định về chế độ tài sản của vợ, chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Bên cạnh đó, Điều 30 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn bổ sung quy định về "quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình". Quy định này nhằm trao cho mỗi bên vợ, chồng khả năng tự mình thực hiện các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Vợ, chồng không thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm liên đới về nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch này. Đồng thời vợ, chồng thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản chung hoặc chế độ tách riêng tài sản, vợ, chồng thì vẫn phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của mình để đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Tại Điều 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, còn quy định thêm về nghĩa vụ và việc hạn chế quyền sở hữu của bên vợ, chồng có tài sản riêng là nhà ở nhưng là nơi sinh sống duy nhất của vợ chồng.
Như vậy, các quy định nguyên tắc chung chế độ tài sản của vợ, chồng đều xuất phát từ thực tiễn, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, của gia đình và của những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Đây là những quy định hoàn toàn “bứt phá” so với những luật trước đây.
Thứ 2 là về chế độ tài sản của vợ, chồng theo luật định.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: Căn cứ nguồn gốc xác lập các loại tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng để xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với những loại tài sản đó, cụ thể:
Đối với tài sản chung của vợ chồng:
Kế thừa tinh thần, quy định của những Luật Hôn nhân và gia đình trước đây, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những vấn đề về tài sản chung của vợ chồng những điểm mới như sau:
“Những hoa lợi, lợi tức phát sinh, thu được từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Điều 34 luật này cũng quy định: “Tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác”.
Để cụ thể hóa về thực hiện nội dung quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất như trên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng nếu đối tượng của giao dịch là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình theo quy định tại Điều 35.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng nhưng Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rất cụ thể về vấn đề này, như: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của BLDS thì cha mẹ phải bồi thường; nghĩa vụ khác theo quy định của các luật khác có liên quan.
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì Luật hôn nhân gia đình năm 2014 đã quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có yêu cầu nếu việc chia tài sản không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình.
Đối với tài sản riêng của vợ chồng:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 kế thừa và cụ thể hóa Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986; Điều 32, 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, quy định cụ thể về xác lập tài sản riêng cảu vợ chồng, bao gồm: Tài sản mà vợ chồng có từ trước kết hôn; tài sản được tặng cho riêng, được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được chuyển đổi, chuyển nhượng từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản mà vợ chồng được chia từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn cụ thể hoá về thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản riêng; nghĩa vụ riêng của vợ chồng về tài sản: “Nghĩa vụ của mỗi bên vợ chồng có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ chồng; nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng” theo quy định tại Điều 45 .
Thứ ba: Về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận:
Đây là quy định mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Các quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm quyền tối cao về định đoạt tài sản của vợ chồng; công khai minh bạch về quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Mặt khác còn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác có liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.
Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định vấn đề sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân vì lợi ích chung của gia đình. Dự liệu các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại BLDS và luật khác có liên quan; vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.