(VBF) - Nhận lời mời của Quỹ Hợp tác Pháp luật quốc tế (IRZ) thuộc Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức, trong thời gian từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 05 tháng 11 năm 2011, Đoàn đại biểu Liên đoàn luật sư Việt Nam, gồm 6 thành viên, do Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc tại Thủ đô Béc Lanh, CHLB Đức về chủ đề “CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG LUẬT SƯ Ở ĐỨC”.
Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi với một số quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp Liên bang, thăm và làm việc với Quỹ Hợp tác Pháp luật quốc tế (IRZ) Công ty luật Koehler and Partner, Đoàn luật sư Liên bang Đức, Học viện luật sư Đức, Hiệp hội luật sư Đức, Tòa án cấp cao của Berlin, Hiệp hội Nữ Luật sư Đức và Công ty luật TS. Pielsticker, nghe giới thiệu về công tác đào tạo luật nói chung và bồi dưỡng Luật sư nói riêng. Đoàn cũng đã nghe giới thiệu về vấn đề bồi dưỡng chuyên sâu cho Nữ Luật sư và công tác hòa giải tại Đức.
Nội dung chi tiết như sau:
1. Đào tạo luật sư
Bằng đại học quốc gia bậc 1
Tại Đức có rất nhiều Khoa Luật trong các trường Đại học thực hiện việc đào tạo kiến thức pháp luật chung cho luật gia, người muốn trở thành luật sư, thẩm phán, công tố viên hoặc công chức Bộ Tư pháp. Chương trình đào tạo nói chung bao gồm chương trình đào tạo luật áp dụng thống nhất cho toàn Liên bang, chương trình đào tạo luật của bang (luật của từng bang có thể khác nhau), và chương trình đào tạo luật Cộng đồng Châu Âu. Thời gian học từ 4-5 năm, sinh viên phải thi tốt nghiệp và sẽ được cấp Bằng quốc gia bậc 1.
Hiện nay có khoảng 95.000 sinh viên học luật trên toàn Liên bang.
Bằng đại học quốc gia bậc 2
Sau khi thi tốt nghiệp đại học, sinh viên được cấp Bằng đại học quốc gia bậc 1 và đương nhiên được đăng ký tham gia đào tạo thực tế và thực tập nghề. Việc đào tạo thực tế được thực hiện lần lượt tại các cơ quan pháp luật và tư pháp của bang. Thời gian đào tạo từ 2-3 năm.
Đoàn thăm Tòa án cấp cao Berlin, nơi phụ trách việc đào tạo tại địa bàn thành phố Berlin. Trong một năm, Tòa án cấp cao Berlin thực hiện tuyển sinh 4 lần vào tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 11. Mỗi lần tuyển khoảng 180 sinh viên đã tốt nghiệp đại học (đã có Bằng đại học quốc gia bậc 1) và có số điểm tốt. Chương trình thực tập được thực hiện trong 2 năm (có thể kéo dài nếu người thực tập xin nghỉ ốm, lập gia đình, có con nhỏ v.v.)
Trong thời gian đào tạo, người thực tập được coi là công chức nhà nước, được hưởng lương EUR 950/tháng, được nghỉ phép năm.
Chủ đề đào tạo bao gồm: Pháp luật dân sự, pháp luật hình sự và pháp luật công. Mục đích: đào tạo chuyên sâu, nâng cao và đào tạo kỹ năng cho người thực tập, đồng thời tạo cơ hội làm việc tại cơ quan tố tụng và văn phòng luật sư. Người tập sự được phân công tập sự tại Tòa Dân sự, Viện Công tố, Cơ quan hành chính và Văn phòng luật sư (thời gian tập sự tại Văn phòng luật sư bắt buộc là 9 tháng). Tại mỗi nơi đều thực hiện đào tạo lý thuyết xen kẽ thực hành và có bài kiểm tra. Giáo viên giảng dậy bao gồm các thẩm phán, công tố viên, luật sư có kinh nghiệm.
Ví dụ: (1) Người thực tập có thể điều hành phiên tòa dưới sự giám sát của thẩm phán phụ trách. Họ có quyền hỏi nhân chứng, hỏi các bên, nhưng không được ra quyết định.
Ví dụ: (2) Người thực tập thực tập tại Văn phòng luật sư có thể đọc hồ sơ, cáo trạng, gặp đương sự, ra tranh tụng tại tòa, nếu được luật sư phụ trách đồng ý.
Tổng số có 27 bài kiểm tra viết trong 2 năm tập sự. Sau đó có một cuộc thi quốc gia, bao gồm thi viết và thi vấn đáp. Chỉ những người đỗ thi viết mới được thi vấn đáp. Bài thi vấn đáp sẽ do người thực tập tự chọn đề tài và trình bày. Sau khi đỗ hai kỳ thi này, người tập sự sẽ được cấp Bằng đại học quốc gia bậc 2.
- Tòa án cấp cao Berlin có 22 nhân viên hưởng lương, chuyên về tổ chức đào tạo. Tòa án cấp cao Berlin được nhận ngân sách EUR 1 triệu/năm để thực hiện việc đào tạo thực tập sinh. Trung bình, chi phí của ngân sách là EUR 3,000/tháng/người thực tập.
- Những người muốn trở thành luật sư, thẩm phán, công tố viên đều phải đạt được Bằng đại học quốc gia bậc 1 và bậc 2, tức là có nền tảng đào tạo chung về luật và hành nghề luật.
- Sau khi có Bằng đại học bậc 2, người thực tập có thể nộp đơn xin việc tại Tòa án, Viện Công tố, hoặc nộp đơn xin gia nhập Đoàn luật sư và trở thành luật sư.
2. Luật sư chuyên ngành
Hiện nay có khoảng 160.000 luật sư hành nghề tại Đức, và có khoảng ¼ trong số đó là luật sư chuyên ngành. Do nhu cầu thực tế, việc cạnh tranh đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và chuyên ngành giỏi nên các luật sư đều phấn đấu trở thành luật sư chuyên ngành. Ban đầu có 4 chuyên ngành, nhưng hiện nay có tổng số 20 chuyên ngành và mỗi luật sư được đăng ký tối đa 3 chuyên ngành.
20 chuyên ngành bao gồm: thuế, hành chính, hình sự, lao động, xã hội, phá sản, bảo hiểm, y tế, bất động sản (thuê nhà và sở hữu tài sản), giao thông, xây dựng và kiến trúc, giao thông vận tải, bảo vệ quyền kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, ngân hàng, nông nghiệp trồng trọt (chuyên ngành mới bổ sung).
4 tiêu chuẩn để cân nhắc thông qua một chuyên ngành luật:
(i) Nhu cầu quan tâm đến chủ đề đó có đủ để tách riêng chủ đề đó là một chuyên ngành luật hay không.
(ii) Nhu cầu thị trường về chuyên ngành đó có lớn không?
(iii) Khả năng cạnh tranh giữa các chuyên ngành;
(iv) Mức độ khó và chuyên sâu của chủ đề/chuyên ngành đó.
Điều kiện để được công nhận là luật sư chuyên ngành:
(i) Chứng tỏ khả năng nghề nghiệp.Phải tham gia khóa học về luật chuyên ngành gồm 120 giờ (học về lý thuyết) và sau đó tham gia kỳ thi về luật chuyên ngành.
(ii) Phải hành nghề ít nhất 3 năm.
(iii) Số lượng vụ việc xử lý trong lĩnh vực chuyên ngành đó trong 3 năm bất kỳ liên tiếp; ví dụ thuế: 50 vụ, hành chính: 80 vụ, gia đình: 120 vụ việc, giao thông 160 vụ. Chất lượng vụ việc phải tốt, và luật sư phải làm việc độc lập trong vụ việc đó.
Mỗi luật sư chuyên ngành có trách nhiệm nâng cao tay nghề, bồi dưỡng thường xuyên với yêu cầu 10 giờ/năm; bồi dưỡng thường xuyên có thể thông qua việc luật sư tham gia hội thảo, hoặc là diễn giả trình bày tại hội thảo.
3. Bồi dưỡng chuyên ngành
Về bồi dưỡng chuyên ngành (thời gian bắt buộc là 120 giờ), Đoàn có trao đổi kinh nghiệm với Học viện Luật sư Đức (thuộc Liên đoàn Luật sư Đức) và Viện luật sư Đức (thuộc Hội Luật sư Đức).
Học viện luật sư Đức (DAI) với 50 năm thành lập và là tổ chức độc lập, vì quyền lợi của luật sư, không phải tổ chức kinh doanh. DAI có 3 trung tâm bồi dưỡng tại Bochum, Berlin và Frankfurt.
DAI có nhiều khoa, phân theo chuyên ngành và Trưởng khoa là các luật sư chuyên ngành giỏi có kinh nghiệm. DAI có khoảng 1,000 giáo viên giảng dậy, bao gồm luật sư (giảng viên chủ yếu), thẩm phán (khoảng 15%), giáo sư đại học (khoảng 5%), công tố viên. Năm 2010, DAI có 24.000 học viên, với khoảng 500 khóa học tại 36 nơi khác nhau.
DAI kết hợp với các đoàn luật sư địa phương để tổ chức bồi dưỡng tại địa phương cho luật sư.
Hiệp hội luật sư Đức cũng có Viện luật sư được thành lập tại Bonn năm 1979, hoạt động trên cơ sở lợi nhuận. Viện luật sư có chức năng đào tạo chuyên ngành và tự tổ chức kỳ thi quốc gia cho luật sư chuyên ngành. Chứng chỉ do Viện luật sư cấp được Đoàn Luật sư Liên bang thừa nhận.
4. Tổ chức Đoàn Luật sư Liên bang và Hội Luật sư Đức
- Đoàn Luật sư Liên bang Đức là Đoàn luật sư của toàn Liên bang, có 28 đoàn luật sư thuộc 16 bang trực thuộc. Luật sư là thành viên bắt buộc của Đoàn Luật sư Đức. Có khoảng 160.000 luật sư trên toàn nước Đức. Lệ phí của luật sư Berlin là EUR 264/năm. Đoàn luật sư sẽ cấp giấy phép hành nghề (kết nạp luật sư) cũng như quyết định xử lý kỷ luật luật sư.
- Hội Luật sư Đức (thành lập năm 1871) là Hiệp hội tự do, tự nguyện do luật sư tham gia. Khoảng 43% luật sư thuộc Đoàn Luật sư Liên bang là thành viên của Hội Luật sư Đức. Hội Luật sư Đức có 253 hội luật sư địa phương và hội luật sư Đức ở nước ngoài.
Đoàn Luật sư Liên bang có nhiệm vụ:
(i) Lobby ban hành pháp luật (hàng năm có khoảng 70-80 bản tham luận góp ý về đề án pháp luật)
(ii) Tổ chức hội thảo, hội nghị
(iii) Ra tạp chí luật; tạp chí hướng nghiệp cho sinh viên luật
(iv) Hoạt động truyền thông về nghề luật
(v) Tư vấn miễn phí cho dân chúng
- Hiệp hội luật sư nữ Đức được thành lập năm 1914, bị giải thể năm 1933 và thành lập lại năm 1948. Có khoảng 2.800 hội viên là nữ, là luật sư hoặc người làm việc tại các tổ chức kinh tế. Hội có trách nhiệm xem xét góp ý các dự thảo luật, đại diện bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người chưa thành niên, tổ chức hội thảo.
- Nghị viện luật sư (Lawyer Parliament): hoạt động độc lập, cứ 2.000 luật sư thì được cử một thành viên vào Nghị viện luật sư. Nghị viện luật sư có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định về luật nghề nghiệp luật sư, được quyền cụ thể hóa, giải quyết nguyên tắc xung đột quyền lợi v.v. Các quyết định của Nghị viện luật sư được gửi lên Bộ Tư pháp kiểm tra trước khi ban hành. Để làm rõ, Bộ Tư pháp không xem xét vấn đề nội dung mà chỉ kiểm tra về mặt thủ tục, xem quyết định đó có trái pháp luật hiện hành không.
5. Thăm tổ chức hành nghề
Đoàn thăm hai Văn phòng luật sư lớn tại Berlin để tìm hiểu cơ cấu tổ chức hoạt động. Đoàn có tìm hiểu mô hình mới về việc luật sư làm hòa giải viên các tranh chấp dân sự, thương mại (hòa giải tiền tranh tụng).
Cuối đợt công tác Chủ tịch Lê Thúc Anh khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với Bạn trong những năm tới đây, đã đề xuất Quỹ IRZ giúp đỡ Liên đoàn luật sư Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng luật sư thông qua việc tiếp tục tổ chức các chuyến đi thăm và làm việc cho Chủ nhiệm đoàn luật sư địa phương, cử luật sư Việt Nam đi thực tập ngắn hạn tại Đức, mời chuyên gia, luật sư Đức có kinh nghiệm sang Việt Nam tổ chức hội thảo về thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp về thương mại quốc tế, đặc biệt tập trung vào các vấn đề về luật biển, công pháp quốc tế v.v. Phía Bạn đã rất ủng hộ sự hợp tác này.
Đoàn đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Đức và về nước vào ngày 6 tháng 11 năm 2011.
Ủy ban hợp tác quốc tế tổng hợp