Diễn đàn cải cách phá sản tại châu Á (FAIR) được hình thành với mục tiêu duy trì và thúc đẩy đối thoại chính sách về cải cách phá sản giữa các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực và theo dõi, đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc cải cách phá sản ở các nền kinh tế trong khu vực.

Diễn đàn năm nay thu hút sự quan tâm của trên 100 đại biểu quốc tế tới từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia quốc tế của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế cùng hơn 40 đại biểu là đại diện của Tòa án, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và  một số ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lớn của Việt Nam…

 

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TH)

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao nhấn mạnh: Trong phạm vi quốc gia, một doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế và qua đó tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân và sự mất ổn định của nền kinh tế quốc gia có thể ảnh hưởng xấu tới các nền kinh tế khác trong khu vực cũng như cho toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp để lành mạnh hóa thị trường vốn, khơi thông nguồn vốn và kiểm soát nợ xấu ngay từ giai đoạn sớm nhất có thể. Cải cách thủ tục xử lý phá sản theo hướng thuận lợi hơn, hiệu quả hơn là một trong những ưu tiên của Việt Nam.

Luật phá sản hiện hành của Việt Nam có nhiều đổi mới theo hướng làm rõ hơn điều kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản, đơn giản hóa thủ tục phá sản, tăng cường các cơ chế và tạo điều kiện để tái cấu trúc và phục hồi doanh nghiệp, tăng cường quyền của chủ nợ, thiết lập chế định quản tài viên để hỗ trợ Tòa án trong việc tái cấu trúc và xử lý phá sản. Những đổi mới trong cơ chế xử lý phá sản đã mang lại những thay đổi tích cực cho việc xử lý phá sản tại Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Bên cạnh công cụ lập pháp và thực thi pháp luật, Tòa án cũng giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo áp dụng hiệu quả pháp luật về phá sản nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong khuôn khổ FAIR 10, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận về 9 chủ đề nhỏ gồm: Cập nhật thông tin của các nước-vai trò của luật phá sản trong khu vực; Quản tài viên xây dựng thể chế để thực thi pháp luật; Sự phát triển của luật phá sản và những vấn đề mới; Sự phát triển của hệ thống phá sản tiêu dùng, phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á; Sự phát triển của việc tái cấu trúc trong khu vực châu Á; Sự phát triển của cơ chế xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngoài tòa án; Công ty quản lý tài sản; Phát triển trong lĩnh vực tư pháp-Hợp tác cùng các tòa án khác; Phát triển tư pháp-Sự phát triển về năng lực tư pháp.

Tại diễn đàn, các diễn giả và các đại biểu cùng tập trung trao đổi thẳng thắn, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học có giá trị về những vấn đề liên quan đến pháp luật về phá sản cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật phá sản từ các quốc gia khác nhau. Qua đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật về phá sản nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc giải quyết các vụ việc tại Tòa án các nước trong khu vực.

Các ý kiến cho rằng, cần thiết phải tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho các Thẩm phán và thiết lập cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các thẩm phán tham gia giải quyết các vụ việc phá sản không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn cả trong phạm vi khu vực...

Diễn đàn sẽ kết thúc vào ngày mai 22/11.
Thu Hằng