Các lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài tiến hành M&A tại Việt Nam
Câu hỏi
Các lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài tiến hành M&A tại Việt Nam ?
Câu trả lời
Trên một số lĩnh vực, luật pháp Việt Nam và các cam kết song phương hoặc đa phương của Việt Nam, đặc biệt là các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, có một số hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm đến các hạn chế sau:
- Hạn chế về tỷ lệ nắm giữ. Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác, ví dụ như tổng mức sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng hoặc các trường hợp khác.
- Hạn chế về chuyển nhượng. Trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập của một công ty cổ phần chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.
- Hạn chế về đối tượng nhận chuyển nhượng. Trong một số quy định của pháp luật Việt Nam, một số hạn chế có thể được áp dụng đối với người nhận chuyển nhượng, chẳng hạn như chỉ có tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mới được góp vốn, mua cổ phần thành lập công ty chứng khoán, hoặc chỉ có tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài có nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức kinh doanh bảo hiểm nước ngoài mới được góp vốn, mua cổ phần thành lập công ty quản lý quỹ với tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.
- Trong một số trường hợp cụ thể, có một số hạn chế về hình thức đầu tư, hoặc quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản khác khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu 100% vốn của một doanh nghiệp.
Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, nhà đầu tư cần chú ý thêm các vấn đề liên quan đến sử dụng lao động, thuế và quyền sử dụng đất trong các thương vụ mua bán, sáp nhập. Việc sử dụng tư vấn là hết sức cần thiết trong các thương vụ mua bán, sáp nhập trong bối cảnh khung pháp lý về hoạt động này ở Việt Nam chưa được phát triển và ổn định.
Tập trung kinh tế
Theo luật cạnh tranh của Việt Nam, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng có thể dẫn đến tập trung kinh tế và có thể bị cấm hoặc được miễn trừ theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Trong những năm gần đây, hoạt động M &A trở nên sôi động hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các giao dịch này chủ yếu là các giao dịch mua lại. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo về vấn đề này diễn ra ngày 11/6 vừa qua tại Hà Nội, năm 2005 chỉ có 18 vụ M &A với tổng giá trị là 61 triệu đôla Mỹ, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị các thương vụ là 245 triệu đôla Mỹ. Năm 2007, Việt Nam có hơn 90 vụ M &A với giá trị giao dịch là hơn 1, 7 tỷ đôla Mỹ và năm 2008, đã có gần 40 vụ sáp nhập và mua lại với tổng giá trị gần 30 triệu đôla Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong 5 đến 10 năm tới, sẽ có từ 30% đến 50% doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ sáp nhập hoặc bị sáp nhập với các đối tác khác.