Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Nghề Luật sư

Cần mở rộng quyền của Luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

5/12/2011 14:49
Cùng với sự phát triển của xã hội và ngày càng hoàn thiện của các quy định pháp luật, vai trò của Luật sư trong xã hội nói chung cũng như trong tố tụng nói riêng cũng đang dần có được vị trí quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một trong các hoạt động của Luật sư đó là sự tham gia và các quyền của Luật sư trong giai đoạn điều tra của tố tụng hình sự.

 

Cùng với sự phát triển của xã hội và ngày càng hoàn thiện của các quy định pháp luật, vai trò của Luật sư trong xã hội nói chung cũng như trong tố tụng nói riêng cũng đang dần có được vị trí quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một trong các hoạt động của Luật sư đó là sự tham gia và các quyền của Luật sư trong giai đoạn điều tra của tố tụng hình sự.

Điều tra là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tố tụng hình sự. Hầu hết các tội phạm được xác minh và làm rõ trong quá trình điều tra. Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì Luật sư có thể tham gia vào giai đoạn điều tra của vụ án hình sự với vai trò là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can hoặc người bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì người bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự có thể là Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc bào chữa viên nhân dân. Tuy nhiên trong số những người tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa nêu trên thì Luật sư là người tham gia tố tụng có hiệu quả nhất vì Luật sư là người có trình độ, kiến thức pháp luật chuyên sâu, là người được đào tạo về kỹ năng hành nghề và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bào chữa. Chính vì vậy, họ luôn là điểm tựa pháp lý và tinh thần cho bị can, bị cáo; là người góp phần bảo đảm tính khách quan của hoạt động điều tra. Ngoài tư cách là người bào chữa, Luật sư còn có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Mặc dù cùng tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nhưng do đối tượng bảo vệ khác nhau, địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng bảo vệ cũng khác nhau nên pháp luật quy định các quyền của Luật sư với tư cách là người bào chữa (được quy định tại khoản 2 Điều 58 BLTTHS) và các quyền của Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của đương sự (được quy định tại khoản 2 Điều 59 BLTTHS) cũng không giống nhau. (Xem bảng dưới đây)


Người bào chữa cho bị can, bị cáo

Người bảo vệ quyền lợi của đương sự

- Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa

- Đối với đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ

- Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can

- Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

- Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

- Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác

- Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu

- Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu

- Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam

- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật

- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật

- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà

- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà;

- Xem biên bản phiên tòa

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự

- Đối với đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ

Qua thống kê nói trên có thể thấy, Luật sư với vai trò là người bào chữa của bị can, người bị tạm giữ (sau đây gọi tắt là Luật sư bào chữa) có nhiều hoạt động tích cực ở giai đoạn điều tra của vụ án, đó là có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa. Đây là quyền mà Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của đương sự  (sau đây gọi tắt là Luật sư bảo vệ) không có. Luật sư bảo vệ chỉ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ trong trường hợp đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Do trong giai đoạn điều tra, hoạt động của Luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng đều hướng tới mục đích là xác định sự thật của vụ án, bảo đảm các chứng cứ của vụ án được điều tra, thu thập một cách chính xác và khách quan, bảo đảm cho bị can thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Sự tham gia của Luật sư bào chữa trong giai đoạn điều tra không làm cản trở công tác điều tra vụ án của Điều tra viên, trái lại hoạt động của hai bên lại có mối quan hệ thúc đẩy bổ sung cho nhau. Sự có mặt của Luật sư bào chữa khi CQĐT tiến hành hỏi cung đối với bị can không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho bị can mà còn tránh được việc nhục hình, bức cung, mớm cung … góp phần nâng cao tính khách quan của hoạt động điều tra.  Đặc biệt, việc Luật sư bào chữa tham gia vào các hoạt động điều tra khác như khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, xem xét dấu vết thân thể khi được Điều tra viên đồng ý... cũng là một hoạt động tố tụng cần thiết. Thông qua việc có mặt tại các hoạt động điều tra này, Luật sư bào chữa có thể phát hiện được những mâu thuẫn trong các tình tiết của vụ án hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, tình tiết có ý nghĩa minh oan cho bị can trong trường hợp bị can vô tội, hạn chế tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.

Mặc dù vậy hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự quy định quyền của Luật sư bảo vệ cũng còn khá hạn hẹp. Chỉ trong trường hợp đương sự được Luật sư bảo vệ quyền lợi là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì Luật sư mới có quyền có mặt khi CQĐT lấy lời khai của họ. Ngoài quyền này và quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, BLTTHS không quy định thêm một quyền nào khác của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong giai đoạn điều tra của vụ án. Điều này nhiều trường hợp có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo đảm tính khách quan của giai đoạn điều tra cũng như dễ gây nên tâm lý thiếu tin tưởng vào các cơ quan tiến hành tố tụng của những người có liên quan.

Ngay trong nội dung các quyền của Luật sư khi tham gia giai đoạn điều tra cũng vẫn còn nhiều hạn chế như: việc hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác của Luật sư bào chữa phải được sự đồng ý của Điều tra viên; hay việc Luật sư chỉ được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra…Như vậy, các quy định tố tụng hình sự hiện hành không chỉ có sự hạn chế về “đầu việc” được thực hiện mà ngay trong việc thực hiện các công việc được làm thì các đề nghị và yêu của Luật sư bào chữa vẫn phải được cơ quan điều tra, điều tra viên cho phép, mặc dù chúng xuất phát từ những căn cứ pháp lý cần và đủ được pháp luật quy định.

Tóm lại, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về các quyền của Luật sư trong giai đoạn điều tra là khá rộng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quyền các quyền này cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật. Để tăng cường Pháp chế, đảm bảo tính khách quan cũng như nâng cao hiệu quả của giai đoạn điều tra trong tố tụng hình sự, bảo đảm có hiệu quả việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các quy định về quyền của Luật sư trong giai đoạn điều tra cần được nghiên cứu và quy định một cách toàn diện và “cởi mở” hơn. Chung tôi cho rằng trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung BLTTHS tới đây, cần nghiên cứu và kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng mở rộng thêm các quyền cho luật sư, kể cả Luật sư là người bảo vệ quyền lợi của đương sự./.


ThS, Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Hồng Hà- Hà Nội