Ngày 20-7-2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã quyết định ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Bộ Quy tắc này đặt ra những chuẩn mực đạo đức của giới luật sư, tạo cơ sở để luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và sinh hoạt đời sống; là thước đo giúp luật sư giữ gìn phẩm giá, uy tín cá nhân, từ đó khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao uy tín của giới luật sư trong xã hội ta. Ðây cũng là một văn bản mang tính quy phạm nội bộ thể hiện cơ chế quản lý theo phương thức “Tự quản kết hợp với quản lý nhà nước” của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Bộ Quy tắc gồm Lời nói đầu, sáu chương, 27 quy tắc cụ thể, xác định nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nền tảng cơ bản của nghề luật sư là tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư bao gồm các quy phạm mang tính chất tùy nghi để luật sư có thể lựa chọn trong ứng xử hoặc mang tính chất cấm đoán, bắt buộc luật sư phải nghiêm chỉnh thi hành.
Trong số 27 quy tắc, có những quy tắc chung mang tính chất là những nghĩa vụ đạo đức cơ bản của luật sư và các quy tắc cụ thể điều chỉnh hành vi của luật sư khi tham gia các nhóm quan hệ xã hội trong hành nghề, gồm: quan hệ với khách hàng, quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Các tiêu chuẩn chung về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư liên quan đến chức năng xã hội của luật sư với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích. Thí dụ, Quy tắc 2 quy định: Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, Ðiều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như các vụ việc có nhận thù lao (Quy tắc 3).
Các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng là các tiêu chuẩn quan trọng nhất trong bộ quy tắc này. Bởi vì, mối quan hệ với khách hàng chính là “lửa thử vàng” đối với cá nhân luật sư; uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Sự tiêu cực hay không tiêu cực của luật sư đều xuất phát từ mối quan hệ này và nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội của luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng. Ðó là việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích… Chẳng hạn, Quy tắc 6 quy định: Luật sư tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ việc theo khả năng chuyên môn, điều kiện của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.
Các tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ của luật sư với đồng nghiệp thực chất là những quan hệ đạo đức, trong đó chủ yếu là thái độ ứng xử với nhau trong giới luật sư. Tiêu chuẩn này đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình. Ðiều mình không muốn thì không được làm với đồng nghiệp.
Các tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong bộ quy tắc có ý nghĩa bổ trợ cho thái độ ứng xử của cá nhân luật sư. Còn mối quan hệ này đã được các quy phạm pháp luật liên quan điều chỉnh cụ thể. Thí dụ, quy định luật sư không được: câu kết qua trung gian hoặc trực tiếp quan hệ với người tiến hành tố tụng (kể cả người tham gia tố tụng) nhằm mục đích lôi kéo họ vào việc làm trái pháp luật trong giải quyết vụ việc (Quy tắc 24). Ngoài ra, Bộ Quy tắc còn quy định các tiêu chuẩn về kỷ luật nghề nghiệp luật sư.
Việc ban hành Bộ Quy tắc nói trên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn có ý nghĩa là cơ sở để nhân dân giám sát hoạt động của luật sư.
VŨ HOÀNG VÂN
Văn phòng luật sư Dragon
Cùng Danh Mục :
Liên Quan Khác
công ty tư vấn luật, giải đáp pháp luật, hành nghề luật sư, hành nghề luật sư ở việt nam, liên đoàn luật sư, luât dan su, luật luật sư, luật sư và nghề luật sư, luật sư việt nam, luật sư, ngành luật sư, nghề luật sư, tư vấn luật miễn phí, tư vấn luật sư, tư vấn pháp luật miễn phí online, tư vấn pháp lý, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, van phong luat su, đạo đức nghề luật sư, đạo đức nghề nghiệp luật sư, điều kiện hành nghề luật sư