Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Bài viết về Tranh Tụng

Tọa đàm Hệ thống tranh tụng của Hoa Kỳ và những khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định liên quan trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

18/9/2015 13:1
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, chiều 16/9, Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm “Hệ thống tranh tụng của Hoa Kỳ và những khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định liên quan trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)” với sự chia sẻ kinh nghiệm của ông Anthony Natale- Luật sư công liên bang của Hoa Kỳ và bà Brenda Sue Thronton- Cố vấn pháp lý của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

 

16/09/2015

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Hội luật gia Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kiểm sát…

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú cho biết, tranh tụng không chỉ là thành tựu pháp lý đơn thuần mà còn là thành tựu của sự phát triển tư tưởng, của nền văn minh nhân loại. Trong xã hội hiện đại, ở các nước khác nhau với hệ thống tư pháp khác nhau thì trong tố tụng đều có yếu tố tranh tụng. Đây là cơ chế tố tụng có hiệu quả bảo đảm cho tòa án xác định sự thật khách quan, giải quyết đúng vụ án, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng.

Xác định được tầm quan trọng của tranh tụng tại tòa án, tại Việt Nam, nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận trong nhiều văn bản của Đảng và được hiến định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, thời gian qua, tranh tụng tại tòa án còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân trong đó có các nguyên nhân do bất cập trong các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Do đó, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trong đó đã bổ sung nhiều quy định cụ thể về việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thay đổi này sẽ giúp Việt Nam tiệm cận hơn với những tiến bộ của thế giới trong lĩnh vực tư pháp hình sự, đồng thời giúp hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự, khắc phục những nhược điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn hiện nay, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, đưa ra các bản án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tiến tới không còn án oan, sai.

Phó viện trưởng Hoàng Văn Tú nhấn mạnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là điều hết sự cần thiết. Với những kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia Hoa Kỳ- nơi tranh tụng là một đặc trưng căn bản của quy trình tố tụng sẽ góp phần quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật tại Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Anthony Natale cho biết tại Hoa Kỳ công tố viên, luật sư và thẩm phán là 3 nhánh trong hệ thống tư pháp, với vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng nhưng đều cùng tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho hệ thống tư pháp vận hành ổn định, vững vàng.

Trong đó, luật sư biện hộ là phương tiện để cho bị can, bị cáo thực hiện quyền của mình được quy định trong pháp luật chứ không phải bảo vệ cho tội phạm. Luật sư có các quyền giống với công tố viên trong việc điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, nhân chứng để trình thẩm phán.

Liên quan đến vấn đề bằng chứng, ông Anthony Natale cho hay pháp luật Hoa Kỳ có bộ quy tắc về bằng chứng quy định rõ ràng những nguyên tắc, những bước phải thực hiện trong thu thập chứng cứ, xác định chứng cứ đảm bảo cho chứng cứ được thu thập là chính xác và đáng tin cậy cũng như các căn cứ để xét chứng cứ có được chấp nhận tại tòa hay không.

Góp ý về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), bà Brenda Sue Thronton cho rằng, pháp luật Việt Nam cũng cần phải có các quy định cụ thể, rõ ràng về bằng chứng đảm bảo tính chính xác và có thể được sử dụng trước tòa. Thay vì việc quy định các bằng chứng được chấp thuận phải có sự nhất quán với nhau thì cần phải quy định bằng chứng phải thực sự có liên quan đến vụ án. Theo bà Brenda cũng cần có quy định về trao đổi bằng chứng giữa các bên tham gia tranh tụng để các bên đều có thể kiểm định tính chính xác của bằng chứng trong trường hợp bằng chứng đưa ra đối nghịch với lời khai của bị can, bị cáo.

Trao đổi về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình thẩm vấn bị can, bị cáo, ông Anthony Natale chia sẻ Hoa Kỳ đã từng có quy định không được ghi âm, ghi hình khi thẩm vấn bị can, bị cáo trong khoảng 35 năm và chỉ mới gần đây quy định này mới được thay đổi. Theo ông, nếu quá trình thẩm vấn đúng pháp luật thì chẳng có điều gì phải giấu diếm và thực tiễn áp dụng tại Hoa Kỳ việc ghi âm, ghi hình không làm hạn chế hay cản trở hoạt động của cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm quyền cơ bản của con người, danh dự nhân phẩm của con người, bảo đảm cho quy trình tố tụng được công bằng, minh bạch.

Lập luận rằng Việt Nam là thành viên của Công ước về quyền dân sự và chính trị trong đó có quy định về quyền không phải đưa ra các bằng chứng chống lại chính mình. Do đó, theo bà Brenda, cần thiết phải ghi nhận quyền giữ im lặng của bị can, bị cáo.

Ngoài ra, một số quy định như phải lấy lời khai của nghi phạm trong vòng 24 giờ hay quy định luật sư chỉ được tham gia vào quá trình tố tụng khi được cơ quan thi hành pháp luật cho phép…trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành là chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc tranh tụng cũng như với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nên cần có sự sửa đổi, hoàn thiện cho hợp lý trong thời gian tới.

Bảo Yến