12 người chỉ lắng nghe xét hỏi, tranh luận để quyết định bị cáo có tội hay không, trên cơ sở đó thẩm phán ra phán quyết.
Ở những nước thuộc hệ thống pháp luật Thông luật, trong phiên tòa xét xử thường xuất hiện bồi thẩm đoàn ngồi bên cạnh thẩm phán. Bồi thẩm đoàn là tập thể gồm 12 người được chọn ngẫu nhiên.
Bồi thẩm đoàn có vai trò rất quan trọng vì họ sẽ là người lắng nghe lập luận, bằng chứng từ hai phía nguyên đơn và bị đơn trong vụ việc dân sự, hoặc công tố và bị cáo trong vụ án hình sự. Sau đó, 12 thành viên của bồi thẩm đoàn sẽ họp trong phòng kín và thảo luận về vụ việc cho tới khi thống nhất với nhau về việc bị đơn hoặc bị cáo có phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự hay không. Chỉ sau khi có quyết định của bồi thẩm đoàn, căn cứ vào đó thẩm phán mới ra phán quyết.
|
12 thành viên của bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa ở Mỹ.
|
Quá trình chọn lựa ngẫu nhiên nhưng nghiêm ngặt
Theo Findlaw, quy trình chọn lựa bồi thẩm đoàn như sau. Tòa án sẽ chọn ngẫu nhiên nhóm ứng cử viên bồi thẩm đoàn từ cư dân sống ở một địa phương. Danh sách ứng cử viên bồi thẩm đoàn được tổng hợp lại từ nhiều nguồn như lá phiếu cử tri lúc người dân bầu cử, khi đăng ký bằng lái xe hoặc khi xin cấp lại thẻ căn cước.
Ngoài ra, một số điều kiện khiến có người không được chọn là ứng viên bồi thẩm như:
- Đang phục vụ trong quân đội
- Nhân viên trong phòng cảnh sát hoặc đội chữa cháy
- Viên chức công chức đang làm việc toàn thời gian.
- Người từng bị kết án một trọng tội có mức phạt tù trên 1 năm.
Bước 2, tòa án sẽ liên lạc tới từng người trong nhóm ứng cử viên bồi thẩm.
Bước 3, tại tòa án, ứng cử viên bồi thẩm sẽ được thẩm phán, luật sư hai bên "phỏng vấn" để quyết định họ có đủ điều kiện làm bồi thẩm hay không, dựa trên những tiêu chí như sự công tâm, lý lịch, trình độ học vấn, và thậm chí là cả quan điểm đồng tình/phản đối với án tử hình. Sau khi bị phỏng vấn, ứng viên bị nhận định là có khả năng thiếu công tâm, dễ bị cảm xúc dẫn dắt, không đồng tình với án tử hình (nếu trong vụ án hình sự mà bị cáo đứng trước nguy cơ chịu án tử hình) sẽ bị loại.
Bước 4: Cuối cùng là giai đoạn từ chối và đề nghị thay bồi thẩm. Cả thẩm phán và hai bên luật sư đều có quyền này. Ở Anh, trong yêu cầu thay bồi thẩm phải nêu rõ lý do. Trái lại, ở các quốc gia như Australia, Canada, Pháp, New Zealand, Bắc Ailen, Mỹ… luật pháp cho phép hai bên luật sư có một số lượt yêu cầu thay đổi bồi thẩm nhất định mà không cần nêu lý do (con số này có thể lên tới 20).
Thông thường, luật sư bên bị sẽ đề nghị thay những bồi thẩm có nghề nghiệp hoặc lý lịch tương tự với nạn nhân vì những người này có thể đồng cảm với bên nguyên; còn luật sư bên nguyên sẽ thay những bồi thẩm có thể có quan hệ gần gũi với bên bị.
Tuy nhiên, ở Mỹ, nếu một bên đề nghị thay một bồi thẩm thuộc nhóm người thiểu số và bên kia phản đối, tòa án sẽ yêu cầu bên đề nghị phải đưa ra lý do phù hợp không dựa trên chủng tộc hay giới tính.
Tham gia bồi thẩm là nghĩa vụ của mọi công dân
Khi được tòa tống đạt giấy gọi thực hiện nghĩa vụ bồi thẩm, công dân phải nghiêm túc tuân theo. Những người cố tình trốn tránh đều có khả năng bị quy kết vào hành vi "khinh miệt tòa án" và có thể sẽ phải ngồi tù.
Tại một số nước, thành viên bồi thẩm đoàn có bị truy tố và phải đối diện với mức phạt lên tới hai năm tù nếu có những hành vi có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của phiên tòa...
Thành viên bồi thẩm được tòa trả lương khoảng 5-15 USD/ngày xét xử, tùy vào từng quốc gia và từng khu vực. Đương nhiên, luật pháp cũng quy định những bồi thẩm phải nghỉ việc để tham gia xét xử vẫn được hưởng đầy đủ lương một ngày làm việc thông thường trừ đi khoản lương tòa trả.
Vì ứng viên bồi thẩm được chọn ngẫu nhiên nên có nhiều trường hợp người nổi tiếng đã được tòa triệu tập để phỏng vấn như: hai cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Geogre Bush, tài tử điện ảnh Tom Hanks, MC truyền hình nổi tiếng Oprah Winfrey…
Nếu ở nước ngoài có chế định bồi thẩm thì pháp luật Việt Nam cũng có quy định về chế định hội thẩm nhân dân. Dù chung mục đích là đảm bảo sự tham gia của nhân dân trong hệ thống pháp luật và tăng tính khách quan của phiên tòa song giữa hai chế định có một số khác biệt. Chẳng hạn, số lượng hội thẩm của một phiên tòa ở Việt Nam chỉ là hai (nếu có một thẩm phán) hoặc ba (nếu có hai thẩm phán).
Hội thẩm và thẩm phán Việt Nam ngang quyền quyết định tội và mức án của bị cáo bằng biểu quyết theo đa số (trong khi bồi thẩm đoàn chỉ quyết định bị cáo có tội hay không, còn mức án sẽ do thẩm phán quyết định), hội thẩm có quyền hỏi bị cáo (còn bồi thẩm chỉ được nghe tranh luận)…
|