Quá trình tố tụng của một vụ án hình sự trải qua nhiều giai đoạn nhưng luật sư (LS) thường phải gặp những hành vi “gây khó dễ”, khiến hoạt động của LS “mang nặng tính hình thức”. Liên đoàn luật sư Việt Nam đã tổng hợp được đến 10 khó khăn, vướng mắc phổ biến mà gần như LS nào hành nghề trong lĩnh vực hình sự cũng phải “đối mặt” trong giai đoạn điều tra.
Luật cho “cơ hội” để “hành” LS
Trước đến nay, do pháp luật thực định còn nhiều hạn chế, vướng mắc, khiến cho địa vị pháp lý của người bào chữa không được coi trọng, mang nặng tính hình thức, quyền tiếp cận với dịch vụ pháp lý không được đảm bảo, không thật sự giúp ích hiệu quả cho người bị tình nghi phạm tội, cũng như người bị điều tra, xét xử, thi hành án.
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đã có những qui định về các quyền bào chữa và được nhờ người khác bào chữa nhưng không có qui định cách thức thông báo, giải thích quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa, cung cấp danh sách người bào chữa trên địa hạt tố tụng để người cho người bị tạm giữ, bị can lựa chọn và thực hiện quyền của mình nên trong suốt nhiều năm, người bị tạm giữ, bị can vì nhiều lý do đã “lãng quên”, thậm chí “buộc phải lãng quên” quyền được bào chữa và LS vì thế cũng mất cơ hội được thực hiện quyền bào chữa.
Thậm chí cả đến 8 năm sau, khi Thông tư 70/2011/TT-BCA qui định “ngay từ khi lập biên bản giao nhận quyết định bắt giữ người tạm giữ, quyết định khởi tố, bắt giam bị can, điều tra viên bắt buộc phải hỏi và ghi nhận vào trong biên bản ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không” thì việc tiếp cận quyền bào chữa của LS ở giai đoạn “cửa ngõ” của quá trình tố tụng có hiệu quả hay không vẫn hoàn toàn còn phụ thuộc vào “thiện chí” của các cơ quan điều tra.
Thực tế, người bị tạm giữ, bị can “không biết mình có quyền được nhờ LS bởi chẳng ai bảo cho mà biết”. Có đến 47% LS được hỏi cho rằng, bị can, người bị tạm giữ chưa nhận được sự trợ giúp hữu ích từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng khi chỉ thỉnh thoảng, cơ quan điều tra mới giải thích rõ cho họ về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa theo qui định của pháp luật”. Và mới có 1 LS tại TP.HCM được chứng kiến việc điều tra viên lập biên bản về nguyện vọng của người bị tạm giữ, bị can về việc nhờ LS.
Đó chỉ là một trong những qui định mà pháp luật đã “tạo điều kiện” cho LS bị “rơi vào vòng xoáy thủ tục” do cơ quan điều tra đặt ra mà không phải LS nào cũng có thể giải quyết được vì “không có mối quan hệ với cơ quan điều tra”. Có đến 3.000 ý kiến LS ở Tp.HCM phản ánh về bất cập này. Và nhiều khi vì quá khó khăn, khách hàng đã đề nghị LS “đi vòng ngoài” để tiếp cận với các điều tra viên nhưng không muốn nên LS đã không hành nghề trong lĩnh vực hình sự nữa” là trường hợp của LS Nguyễn Bảo Trâm (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật).
Kiến nghị với “củ khoai”
Vẫn biết rằng, khi LS tham gia một vụ việc, ít nhiều gây cản trở quá trình điều tra song như Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ Lê Thị Thu Ba nhận định, “nếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán “cứng” về nghiệp vụ thì không có gì phải “ngại” LS”. Tuy vậy, điều bức xúc nhất trong giới LS hiện nay là việc một số cơ quan tiến hành tố tụng TƯ và địa phương cản trở, gây khó khăn cho việc tham gia của LS và những phản ánh về tình trạng đó lại chỉ được giải quyết theo kiểu… “con kiến kiện củ khoai”.
LS Nguyễn Văn Đức (Văn phòng LS Vạn Lý – TP.Cần Thơ) đã từng khiếu nại với cuộn băng ghi âm cho thấy điều tra viên đã giả ý kiến của người bị tạm giữ từ chối LS. Cơ quan điều tra phải xin lỗi, thay đổi Điều tra viên của vụ án và kỷ luật điều tra viên. Nhưng không phải LS nào cũng “may mắn” như LS Đức. Mỗi năm, Liên đoàn LS Việt Nam đều tiếp nhận hàng chục vụ việc cụ thể LS về hành vi đa dạng xâm phạm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa song phần lớn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của LS trong quá trình tham gia tố tụng ở giai đoạn điều tra không được giải quyết đúng theo qui định của pháp luật…
Quyền bào chữa gắn chặt với chức năng gỡ tội, có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các chức năng cơ bản khác của tố tụng hình sự Việt Nam là chức năng buộc tội và xét xử. Tuy nhiên, do mô hình TTHS hiện vẫn theo mô hình thẩm vấn, nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được thực hiện đầy đủ. Mặc dù Nghị quyết 49 nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình tố tụng tranh tụng nhưng mới được triển khai về hình thức. Ở giai đoạn xét xử, LS đã có nhiều “thời gian hơn để phát biểu” song do nhiều “cơ chế và áp lực khác nhau”, những lý lẽ bào chữa của LS không phải lúc nào cũng được “cân nhắc khi Tòa án ra phán quyết”…
Một phần cũng do LS đang được khoác “chiếc áo” bổ trợ tư pháp nên thiếu cơ hội để được “bình đẳng và độc lập trong quá trình tố tụng”. Và dù rất nhiều qui định về quyền bào chữa nhưng “thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện” đã khiến quyền hành nghề của LS cứ liên tục bị “va vấp”, thậm chí khiến có LS quyết định “không hành nghề trong lĩnh vực hình sự”…
Không chỉ các LS mà nhiều chuyên gia pháp lý đều cho rằng, hạn chế quyền bào chữa, thu hẹp tiến trình LS tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự của LS còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, xác định sự thật khách quan của vụ án, khả năng tiếp cận công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp. Đồng thời khiến nguy cơ rủi ro trong quá trình hành nghề của LS tăng thêm, gây “tâm lý hoang mang”, giảm hiệu quả “sức chiến đấu của những “hiệp sỹ” công lý”…
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”
Không phủ nhận có những hành vi của các cơ quan tố tụng hạn chế quyền hành nghề của LS nhưng nhiều ý kiến cũng muốn giới LS “nhìn lại mình” vì có nhiều trường hợp, chính LS đã “tự làm xấu “bộ mặt” nghề nghiệp”, gây ra những ác cảm của các cơ quan đối tác khi không ít LS “kén chọn” vụ việc ngay cả khi được chỉ định, tham gia với thái độ “tùy nghi” hay vi phạm qui tắc đạo đức... Chính Liên đoàn LS Việt Nam đã thừa nhận, một bộ phận LS chưa ý thức được một cách sâu sắc chức năng xã hội cao quý của nghề nghiệp, còn bị quan điểm “dịch vụ” chi phối, chưa đủ bản lĩnh, yếu về kỹ năng hành nghề và suy giảm trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, nên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh “hiệp sỹ” của giới LS trong mắt công chúng.
Trong 3 năm qua, đã có 3 LS bị xử lý hình sự, 58 LS bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên, tạm đình chỉ hành nghề… do vi phạm qui tắc đạo đức nghề nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật. Thực trạng này có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc chính một số LS chưa tự bảo vệ mình trước những khả năng bị xâm hại do có hành vi vi phạm pháp luật hoặc qui tắc đạo đức nghề nghiệp. Có LS thực hiện không đúng trách nhiệm nghề nghiệp LS, có dấu hiệu lừa dối, làm cho khách hàng tìn vào khả năng giải quyết công việc của mình, từ đó có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm pháp luật khác… Đó là nguyên nhân dẫn đến LS bị khách hàng khiếu kiện, xử lý bằng các hình thức xóa tên, rút giấy phép hoạt động của tổ chức hành nghề, chứng chỉ hành nghề LS, thậm chí đưa ra truy tố và xét xử trước pháp luật.
Tính đến tháng 6/2013, LĐLSVN nhận được 277 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến LS, trong đó có 24 trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của LĐ, 156 trường hợp chuyển về ĐLS giải quyết. Phần lớn các đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo LS vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp hoặc tranh chấp giữa LS với các tổ chức hành nghề, giữa LS với khách hàng mà trong đó yêu cầu xem xét tư cách đạo đức của các LS. “Đây cũng được cho nguyên nhân dẫn đến “rủi ro nghề nghiệp của LS, làm cho LS chịu áp lực, ngại tham gia sâu vào quá trình giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội” – Chủ tịch Lê Thúc Anh nhận định. Nguy hiểm hơn, những “con sâu làm rầu nồi canh” này còn hạ thấp tín nhiệm của công chúng đối với LS, làm tổn hại đến danh dự, uy tín nghề nghiệp của LS.
Vì thế, các chuyên gia pháp lý và cả các cơ quan tiến hành tố tụng đều nhấn mạnh, bản thân các LS cũng cần phải tự hoàn thiện hình ảnh và uy tín để nâng cao vai trò, vị trí của LS khiến “dân biết, cơ quan tố tụng “nể”. Như vậy sẽ góp phần mạnh mẽ để tháo gỡ những vướng mắc từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình hợp tác với LS.
Luật sư “bảo vệ luật pháp” vẫn bị “xử” bằng “luật rừng”
Môi trường hành nghề an toàn của LS đang bị đe dọa bởi những hành vi bạo lực, đôi khi cả những trò “lật lọng” của khách hàng dẫn đến “rủi ro nghề nghiệp của LS, làm cho LS chịu áp lực, ngại tham gia sâu vào quá trình giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội”.
Từ tháng 9/2009 đến nay, LĐLSVN đã nhận được 54 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS. Ngay sau khi những vụ việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng của LS, Liên đoàn đã có cùng Ban Chủ nhiệm Đoàn LS địa phương có văn bản kiến nghị, trực tiếp đề xuất, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền điều tra, làm rõ kẻ chủ mưu và thủ ác, động cơ đằng sau các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến việc hành nghề và sự an toàn trong cuộc sống cá nhân của các LS. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng đã khẳng định “Việc các LS bị hành hung cần phải được giải quyết”.
Theo Liên đoàn LS Việt Nam, sở dĩ các sự việc xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp và quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của giới LS có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng quyết liệt và nghiêm trọng, có nguyên nhân một phần từ việc xử lý không nghiêm, không kiên quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Lê Thúc Anh nhấn mạnh, “nếu quyền và lợi ích hợp pháp khi hành nghề của LS mà không bảo vệ được, thậm chí bị xâm phạm không được giải quyết công bằng, hợp lý thì quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có bảo đảm được hay không đã trở thành thách thức to lớn cho yêu cầu phát triển nghề LS ở Việt Nam hiện nay”./.