Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Nghề Luật sư

VI PHẠM ĐẤT LÂM NGHIỆP Ở HÀ NỘI: NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHÁP LÝ

25/7/2013 10:14
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, nâng cao trách nhiệm và khuyến khích các tổ chức, cá nhân bảo vệ, phát triển rừng, phát huy các lợi ích của rừng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1991, Quốc hội đã thông qua “Luật bảo vệ và phát triển rừng” (LBVVPTR) trong đó xác định rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc.

Nhiều chính sách về bảo vệ và phát triển rừng

 
 

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, nâng cao trách nhiệm và khuyến khích các tổ chức, cá nhân bảo vệ, phát triển rừng, phát huy các lợi ích của rừng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1991, Quốc hội đã thông qua “Luật bảo vệ và phát triển rừng” (LBVVPTR) trong đó xác định rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc.

Ngay sau khi LBVVPTR được ban hành, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cũng đã ban hành Nghị định số 17/HĐBT ngày 17/1/1992 hướng dẫn thi hành LBVVPTR nhằm bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra chiến lược lâu dài và kế hoạch cụ thể hàng năm trồng lại và trồng thêm rừng mới trên đất trống, đồi trọc và ven biền để duy trì và tăng thêm quỹ đất rừng cho các mục đích quốc phòng an ninh, phòng hộ, đặc dụng, sản xuất…

Ngoài các văn bản pháp luật quy định cụ thể về BVVPTR, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003, coi đó là hệ thống các văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở trong việc quản lý, BVVPTR tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện, LBVVPTR năm 1991 đã bộc lộ nhiều bất cập trong chính sách quản lý và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội đối với việc bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, tháng 12/2004, Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 6 đã thông qua LBVVPTR thay thế LBVVPTR năm 1991, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2005. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 về việc hướng dẫn thi hành LBVVPTR 2004.

Tất cả các văn bản pháp luật và chính sách đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc ban hành và hoàn thiện các văn bản QPPL để nhằm bảo đảm trật tự quả lý đất đai và bảo vệ rừng - nguồn tài nguyên đặc biệt  quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Vậy trách nhiệm của những người được giao trách nhiệm thay mặt Đảng, Nhà nước để quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này như thế nào khi sự vi phạm, xâm lấn đất rừng ngày càng gia tăng, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp?

Trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Hà Nội

Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn huyện Sóc Sơn từ năm 2007, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn) và UBND các cấp huyện Sóc Sơn đã buông lỏng quản lý khiến đất rừng bị các hộ dân mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật.

Trong quá trình quản lý đất rừng, Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn và chính quyền địa phương đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cán bộ, công nhân và người dân địa phương. Nhưng, do thiếu kiểm tra, giám sát nên tại hầu hết các xã có rừng đều diễn ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng. Nhiều trường hợp khi chuyển nhượng có xác nhận của UBND cấp xã.

Chính vì sự buông lỏng quản lý nên khắp các khu vực chân núi, cánh rừng do Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý hiện có hàng chục khu đất được xây theo kiểu biệt thự nghỉ dưỡng với vườn cây, ao cá, tiểu cảnh. Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị chia cắt bởi những tường rào cao hàng mét. Không chỉ vậy, một số ao phục vụ tưới, tiêu, điều hòa và phòng chống cháy rừng cũng bị san lấp.

Trở lại việc chuyển nhượng đất rừng để xây dựng những công trình kiến trúc trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn nói riêng gần đây và ở nhiều địa bàn có rừng khác của Thành phố Hà Nội như huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất… đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý đối với việc bảo vệ và phát triển rừng hay không cũng được đặt ra.

Mặc dù chính sách pháp luật của Nhà nước đã quy định rất rõ và cụ thể thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước về giao đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trên đất rừng thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, nhưng tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra, chuyển mục đích sử dụng đất rừng không đúng quy định pháp luật, tự ý xây dựng các công trình kiên cố với nhiều mục đích khác nhau không xin phép xây dựng nhưng công trình thi công diễn ra nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nhưng vẫn không có cơ quan nào xử lý và xử lý như thế nào, thỏa đáng và đúng pháp luật hay không người dân cả nước cần được biết công khai để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đối với vi phạm mới đây ở Sóc Sơn, thực ra, từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và đã có Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 về việc xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại huyện Sóc Sơn đã nêu rõ: Có 659 hộ xây dựng công trình trên đất rừng với diện tích lên tới 11,22ha, trong đó, riêng phủ Thành Chương thuộc địa bàn xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 3.000m2 - 8.000m2 đất sử dụng, mà nguồn gốc là đất rừng đặc dụng.

Suốt quá trình xây chỉ một lần UBND xã ra Quyết định xử phạt với số tiền 10 triệu đồng, nhưng sau đó, ông Nguyễn Thành Chương vẫn tiếp tục xây dựng cho đến nay. Hiện nay, công trình đang kinh doanh dịch vụ du lịch, tham quan và ăn uống. Tương tự vậy, với gia đình nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh năm 2001 đã nhận chuyển nhượng diện tích 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy sử dụng đất ở là 600m2 trên tổng 12.691m2 đất rừng phòng hộ.

Cho đến nay, đất rừng ở Sóc Sơn có rất nhiều công trình xây dựng không được cấp phép. Điều đáng quan tâm ở đây là năng lực quản lý còn hạn chế, hay chính quyền huyện Sóc Sơn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý rừng và đất rừng, không phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006.

Mới đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng có kết luận về trách nhiệm của Công ty Lâm trường Sóc Sơn đã ký hợp đồng không đúng quy định pháp luật khi cho thuê đất, thiếu giám sát quản lý đất lâm nghiệp, dẫn đến các hộ gia đình mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp trái phép tràn lan, tự ý chuyến đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có sự  “tiếp tay” của cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng cấp xã.

Theo quy định của Luật Đất đai, LBVVPTR và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND các cấp. Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác không phải lâm nghiệp phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc tổ chức hoạt động kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong phạm vi khu rừng đặc dụng phải có dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước nghiêm cấm những hành vi sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai.

Đối với các vi phạm về BVVPTR, LBVVPTR năm 2004 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép sử dụng rừng, khai thác lâm sản; thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm hiệu lực của pháp luật về BVVPTR

Hoạt động BVVPTR là công việc hết sức quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp của đất nước. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm mục đích quản lý rừng bền vững, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng.

Việc bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật nhất thiết phải bắt đầu từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đất đai, xử lý nghiêm những cán bộ, tổ chức và cá nhân cố tình vi phạm. Bởi một khi luật chưa được thực thi nghiêm thì nhiều đối tượng còn lợi dụng để trục lợi từ việc phá rừng và chuyển nhượng trái phép đất trồng rừng.

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động về BVVPTR. Gắn trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng. Tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật. Tuyên truyền và dựa vào nhân dân để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Điều cơ bản nhất vẫn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững và có hiệu quả lâu dài.

Tuy vậy, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu tìm ra những căn nguyên của sự vi phạm để đưa ra giải pháp phù hợp, trên cơ sở tính đồng bộ và thực thi của pháp luật đòi hỏi cần phải có cơ chế, chế tài đủ mạnh và được áp dụng ngay vào cuộc sống để chặn đứng những vi phạm tiếp theo đồng thời lập lại trật tự những chỗ, những nơi đã vi phạm.

Mặt khác, Nhà nước cần có những dự án khả thi và chính sách khuyến khích, quan tâm phù hợp để bảo đảm đời sống của người dân trồng rừng, đồng thời có cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi cố tình vi phạm, sử sụng sai mục đích đất rừng. Có như vậy, pháp luật của nhà nước ban hành mới có ý nghĩa thiết thực, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính nhà nước đáp nhiệm vụ  lập lại trật tự kỷ cương xã hội, giải quyết vấn đề trọng tâm, cơ bản cốt lõi hơn cả là củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, pháp luật của nhà nước.