Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng bên chuyển nhượng không thực hiện thủ tục đăng ký sang tên
Câu hỏi
Năm 2003, gia đình ông Đống họp mặt và lập cam kết chia mảnh đất thổ cư của gia đình đang ở thành 8 thửa đất để chia cho các con (có công an xã làm chứng), trong đó có 1 phần để bán, tôi đã mua phần này. Khi mua bán 2 bên có mời địa chính xã xuống đo và xác nhận bằng giấy tờ. Do hoàn cảnh đặc biệt nên đến nay tôi mới có điều kiện để tiến hành làm thủ tục sổ đỏ thửa đất nói trên. Tuy nhiên gia đình ông Đống không chịu làm thủ tục tách thửa sang tên sổ đỏ. Vậy tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Câu trả lời
Vì bạn không nêu rõ thời gian bạn và gia đình ông Đống thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cũng như không cung cấp đầy đủ một số thông tin khác liên quan (như mảnh đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên có công chứng, chứng thực hay không…) nên chúng tôi chia ra hai trường hợp dưới đây:
1. Trường hợp thứ nhất: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 01/7/2004).
Đây là trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, đó là quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định. Cụ thể như sau: Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi là người nhận chuyển quyền) trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của bên chuyển quyền (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền) thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 135 hoặc khoản 1 Điều 136 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP.
Theo quy định nêu trên, nếu bạn và gia đình ông Đống giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 thì bạn có thể nộp hồ sơ (trong đó có Giấy tờ mua bán giữa hai bên) tại cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp, gia đình ông Đống không hợp tác trong việc thực hiện thủ tục đăng ký sang tên cho bạn, không nộp giấy tờ về quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 50 của Luật Đất đai) để bạn làm thủ tục chuyển quyền thì căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, bạn có thể thực hiện các thủ tục sau đây:
- Bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc tại UBND cấp xã, gồm đơn xin cấp Giấy chứng nhận và hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận.
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất căn cứ vào hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất, thông báo bằng văn bản cho người chuyển quyền, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc:
+ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển quyền và việc hủy các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng chưa được giao cho người nhận chuyển quyền đối với trường hợp chuyển quyền toàn bộ diện tích đất;
+ hoặc: về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển quyền và việc chỉnh lý hoặc cấp mới Giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển quyền một phần diện tích đất;
Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên báo địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng báo do người xin cấp Giấy chứng nhận trả);
- Sau thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên báo địa phương về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển quyền mà:
+ Không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì thủ tục cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại Điều 135 hoặc Điều 136 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở; Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyết định huỷ Giấy chứng nhận đã cấp cho bên chuyển quyền nếu bên chuyển quyền không nộp Giấy chứng nhận; nếu bên chuyển quyền nộp Giấy chứng nhận thì chỉnh lý hoặc cấp mới Giấy chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 135 và Điều 136 của Luật Đất đai.
2. Trường hợp thứ hai: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 01/7/2004).
Sau ngày 01/7/2004 thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện các quyền theo quy định của Luật Đất đai (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất) khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra, các bên còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo Điều 127 Luật Đất đai, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, giao dịch chuyển nhượng giữa bạn và gia đình ông Đống có thể xảy ra hai khả năng dưới đây:
(i) Khả năng thứ nhất: Nếu mảnh đất mà bạn nhận chuyển nhượng của gia đình ông Đống đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên có chứng thực của UBND cấp xã (đúng thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch) thì bạn có quyền yêu cầu gia đình ông Đống có trách nhiệm cùng với bạn thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nếu gia đình ông Đống không thực hiện trách nhiệm của mình thì bạn có quyền khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền để được bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(ii) Khả năng thứ hai: Mảnh đất nhận chuyển nhượng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hợp đồng chuyển nhượng giữa bạn và ông Đống không có công chứng, chứng thực thì giao dịch chuyển nhượng này không đáp ứng điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bạn nên thỏa thuận, thương lượng với gia đình ông Đống để hai bên thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai
Nghị định 84/2007/NĐ-CP Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3