Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn như thế nào
Câu hỏi
Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn như thế nào?
Câu trả lời
Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Quy định hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn tại Điều 3 như sau:
“Điều 3. Hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn bao gồm:
a) Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm lần đầu;
b) Phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150.000.000 đồng; trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50.000.000 đồng;
c) Tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;
d) Tước Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; đình chỉ in hóa đơn;
đ) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm; trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra; dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định; cải chính thông tin sai lệch; tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm; hủy kết quả thẩm định giá; hủy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; hoàn trả tiền phí, lệ phí cho người nộp; hủy các hóa đơn; thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.
2. Hình thức xử phạt quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này được áp dụng là hình thức xử phạt chính.
3. Hình thức xử phạt quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều này được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung.
4. Các biện pháp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này được áp dụng là biện pháp khắc phục hậu quả.
5. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
a) Mức phạt tiền quy định từ Điều 5 đến Điều 17, Điều 20, từ Điều 22 đến Điều 32 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân.
b) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm từ Điều 33 đến Điều 40 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức.
c) Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm khác được quy định trong từng điều, khoản cụ thể tại Nghị định này.
6. Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về giá, phí, lệ phí, hóa đơn, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa.
Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.
Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.”
Bên cạnh đó tại Điều 4 Nghị định còn quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 01 năm; trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí là 02 năm. Đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 109/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Trả lời bởi: hoidapphapluat