Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hành chính

Thủ tục làm Chứng minh nhân dân

Câu hỏi

Tôi rời quê Quảng Ngãi năm 1981 (lúc đó 10 tuổi) đi theo mẹ về Vũng Tàu sinh sống, từ đó đến nay tôi đã lập gia đình và sinh được 6 đứa con. Bản thân tôi giờ muốn nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của chồng nhưng tôi không có bất kỳ một giấy tờ nào hết. Mong hướng dẫn cho tôi làm giấy tờ như thế nào để có chứng minh nhân dân và nhập hộ khẩu.

Câu trả lời

1. Về thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú

Theo quy định tại Điều 19 của Luật Cư trú thì Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp của bạn, việc đăng ký hộ khẩu thường trú được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Cư trú và Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, cụ thể như sau:

1.1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ

- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Nếu bạn đăng ký hộ khẩu vào thành phố Vũng Tàu thì bạn nộp hồ sơ tại Công an Thành phố Vũng Tàu.

1.2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, trong đó có ý kiến của của chủ hộ là chồng bạn về việc đồng ý cho bạn nhập vào sổ hộ khẩu của mình và ký tên, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm .

- Bản khai nhân khẩu;

- Giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ vợ chồng vì theo quy định của Thông tư số 35/2014/TT-BCA, trường hợp có quan hệ vợ, chồng thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.

1.3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an Thành phố Vũng Tàu sẽ tiến hành nhập khẩu cho bạn; trường hợp không đồng ý cho nhập khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Về thủ tục làm Chứng minh nhân dân

Chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thựchiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ về CMND và Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 09 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về CMND đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ thì Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND.

Hồ sơ đề nghị cấp CMND theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP và điểm b mục 1 Phần II Thông tư số 04/1999/TT-BCA/C13 ngày 29 tháng 4 năm 1999 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ về CMND, bao gồm: (1) Hộ khẩu thường trú; (2) Ảnh do cơ quan công an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là 3x4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự; (3) Kê khai tờ khai cấp CMND (theo mẫu); (4) In vân tay 10 ngón vào chỉ bản, tờ khai (theo mẫu) hoặc cơ quan Công an thu vân tay 10 ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào chỉ bản và CMND; (4) Nộp lệ phí cấp CMND.

Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan Công an phải làm xong CMND cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp CMND tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp CMND đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp CMND là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

 

Các văn bản liên quan:

Thông tư 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

Nghị định 170/2007/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân

Luật 81/2006/QH11 Cư trú

Thông tư 04/1999/TT-BCA/C13 Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/ NĐ-CP ngày 03/2/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân.

Nghị định 05/1999/NĐ-CP Về chứng minh nhân dân

Nghị định 106/2013/NĐ-CP Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định sổ 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật