Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Văn hóa, Giáo dục Y tế

XPVPHC đối với hành vi không thực hiện việc khám sức khoẻ cho NLĐ trước khi tuyển dụng

Câu hỏi

Qua kiểm tra công tác vệ sinh lao động của Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô do ông Lại Văn Nho làm Giám đốc, UBND xã T thuộc huyện X, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt hai hành vi vi phạm hành chính với lý do Công ty kinh doanh ngành nghề độc hại, nguy hiểm và dễ gây tai nạn lao động nhưng 03 lao động của Công ty không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao và Công ty không có phương tiện kỹ thuật; trang thiết bị cấp cứu, phương án cấp cứu, cứu hộ cho công nhân. Ông Lại Văn Nho không đồng ý với quyết định xử phạt trên. Vậy, cán bộ UBND xã T giải quyết trường hợp này như thế nào?

Câu trả lời

Tình huống trên đòi hỏi cán bộ UBND xã T vận dụng các quy định pháp luật để: xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về y tế của UBND xã T; xác định các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thành Đô; xác định các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND xã T.

Cán bộ UBND xã T phải vận dụng các quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (dưới đây viết là Nghị định số 45/2005/NĐ-CP).

- Về việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về y tế của UBND xã T

Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã T cần căn cứ vào Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và khoản 1 Điều 46 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.

- Về việc xác định các hành vi vi phạm của Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô

+ Không có phương tiện kỹ thuật và trang thiết bị cấp cứu, phương án cấp cứu, cứu hộ cho công nhân vì ngành, nghề sản xuất của Công ty là ngành, nghề độc hại, nguy hiểm và dễ gây tai nạn lao động.

+ Sử dụng lao động không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao.
Các hành vi trên của Công ty đã vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP. Theo các quy định này thì Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không có phương tiện kỹ thuật và trang thiết bị cấp cứu, phương án cấp cứu, cứu hộ cho công nhân; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm việc chuyên môn không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao.

- Về việc xác định các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND xã T

Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô thực hiện hai hành vi vi phạm nhưng chỉ có hành vi không có phương tiện kỹ thuật và trang thiết bị cấp cứu, phương án cấp cứu, cứu hộ cho công nhân thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND xã T trong trường hợp mức xử phạt của hành vi vi phạm này là 500.000 đồng. Khi đó, UBND xã T ra quyết định xử phạt đối với hành vi này. Trong trường hợp mức xử phạt trên 500.000 đồng thì UBND huyện X là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khi đó, UBND xã T cần thực hiện các công việc theo trình tự sau:

+ Bước 1: Lập biên bản về hành vi vi phạm;

+ Bước 2: Đề nghị UBND huyện X ra quyết định xử phạt;

+ Bước 3: UBND huyện X tiến hành xác minh hành vi vi phạm của Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô;

+ Bước 4: Nếu đúng là có hành vi vi phạm thì UBND huyện X ra quyết định xử phạt đối với hành vi sử dụng lao động không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao của Công ty cổ phần dược phẩm Thành Đô.

Đối với hành vi làm công việc có chuyên môn không có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được giao, UBND huyện X là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khi đó, UBND xã T thực hiện các công việc theo trình tự như trên.

 

 

Các văn bản liên quan:

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 45/2005/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Các câu hỏi khác