Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Cư trú

Vỡ nợ, tôi có được đi xa làm ăn để trả nợ không

Câu hỏi

Tôi vay tiền để kinh doanh nhưng bị vỡ nợ khoảng 9 tỷ và tôi không còn tài sản gì để đảm bảo cho việc trả nợ. Hiện tại tôi đã thương lượng với các chủ nợ cho tôi được đi làm ăn xa và gửi tiền về trả nợ. Vì ở chỗ cũ tôi không còn uy tín và danh dự để làm nữa. Tôi xin hỏi: 1. Tôi có được phép rời khỏi nơi cư trú để đi làm ăn (trên lãnh thổ Việt Nam) nếu sự đồng ý của các chủ nợ không? 2. Khi đi tôi có cần trình báo với công an phường nơi tôi cư trú không? 3. Tôi phải vay với lãi suất từ 7,5% tới 9%/tháng. Tôi có thể khởi kiện những người cho tôi vay vì lãi suất cao không?

Câu trả lời

1. Với hành vi vay tiền trên cơ sở hợp đồng vay với sự thỏa thuận của các bên liên quan về khoản tiền vay để kinh doanh, nhưng do làm ăn thua lỗ nên bị vỡ nợ không còn khả năng hoàn trả số tiền lên tới khoảng 9 tỷ đồng, đó chỉ là hợp đồng vay tiền thuộc quan hệ dân sự bình thường, bạn phải có nghĩa vụ hoàn trả cả tiền gốc và tiền lãi khi hết hạn hợp đồng vay theo quy định của pháp luật, nếu quá thời hạn đó mà các bên không có sự thỏa thuận gia hạn việc trả tiền vay mà bạn vẫn chưa trả được khoản tiền vay thì bạn đã vi phạm hợp đồng vay, ngoài việc tiếp tục phải trả khoản tiền vay, bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có. Bạn hoàn toàn có thể được phép rời khỏi nơi cư trú để đi làm trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí là nước ngoài nếu có sự đồng ý của các chủ nợ nhằm kiếm tiền để có thể hoàn trả được khoản tiền vay nói trên, pháp luật hiện nay không cấm.

2. Việc đi làm ăn xa lấy tiền trả nợ hiện nay pháp luật cũng không có quy định bắt buộc là phải ra trình báo với cơ quan công an, tuy nhiên, để củng cố lòng tin với những người cho vay, cũng như khẳng định với chính quyền đoàn thể, người dân là mình không phải là người lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản thì việc trước khi đi làm ăn xa việc khai báo với cơ quan công an là việc nên làm.

3. Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng".

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010.

Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể tính được mức lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá trên 1 năm sẽ là 13,5%  (9x150%), trên 1 tháng 1,125% (13,5%/12).

Như vậy, với việc cho vay với mức lãi suất 7,5% đến 9%/tháng là hành vi vi phạm pháp luật, mà trước hết là vi phạm pháp luật dân sự về việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự nói trên và bạn hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, bởi lẽ đã có tranh chấp về lãi suất trong hợp đồng vay (thuộc vào các tranh chấp hợp đồng dân sự bình thường) và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Và khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước mà áp dụng các quy định hiện hành về lãi suất để áp dụng./.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên