Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Cư trú

Trách nhiệm của công an phường khi một người xâm phạm chỗ ở của người khác

Câu hỏi

Ông A ở bất hợp pháp trong căn nhà của người khác và ông A không có bất kỳ giấy tờ nào chứng tỏ ông được quyền ở trong căn nhà đó. Công an phường yêu cầu ông A đăng ký tạm trú nhưng ông A không đăng ký được mà cũng không trả nhà. Công an phường có quyền và trách nhiệm gì trong việc này?

Câu trả lời

Quyền và trách nhiệm của UBND phường đối với vấn đề mà bạn nêu:

Trong lĩnh vực quản lý cư trú:

Điều 25 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú quy định: Công an phường có quyền và trách nhiệm: Thực hiện việc đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn phụ trách theo quy định của Luật Cư trú và quy định của Bộ Công an; Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo thẩm quyền.

Khi sinh sống tại phường, ông A có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Cư trú. Khi ông A không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì Công an phường có quyền yêu cầu ông A tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc ông A không thực hiện đúng trách nhiệm đăng ký thường trú, tạm trú là vi phạm quy định của pháp luật về cư trú và có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; trong phạm vi thẩm quyền của mình, công an phường có quyền xử lý hành vi vi phạm đó.

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông A ở bất hợp pháp trong căn nhà của người khác, do đó ông A có thể đã vi phạm quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Ðiều 46 Bộ luật Dân sự đã nêu: Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác của ông A còn có thể bị khởi tố về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo Điều 124 Bộ luật Hình sự (Khoản 1 Điều 124 - Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm). Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật như vậy, công an phường có trách nhiệm đấu tranh, tố giác tội phạm để cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm đó.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Thông tư 52/2010/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú

Luật 81/2006/QH11 Cư trú

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: CTV3