Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Cư trú

Công an thực hiện việc kiểm tra cư trú rồi khám xét chỗ ở của công dân

Câu hỏi

Hiện em đang cư trú tại Quận A. Em đang thuê nhà trọ để ở để đi làm nhưng chủ trọ không chịu làm giấy khai báo tạm trú cho em mà tự em phải đi làm, nhưng khi em tự lên làm thì không làm được. Vào lúc 23h đêm ngày hôm qua, Công an phường đến kiểm tra nhà trọ, và yêu cầu đưa giấy tờ tùy thân để kiểm tra. Sau đó ông an bắt em phải giao nộp giấy tờ tùy thân nhưng em nhất quyết không đồng ý thì các anh công an lại nghi ngờ em có tiền án tiền sự. Cuối cùng họ dùng đủ biện pháp để khám xét phòng của em và thu tất cả giấy tờ của em (đăng ký xe, giấy phép lái xe, CMND). Họ lập biên bản và có cả trưởng khu phố ký và bắt em phải ký, hẹn em hôm sau lên công an giải quyết. Khi em lên thì họ không giải quyết và có những lời chửi bới và những hành vi không đúng mực. Vậy hành động của công an như vậy đúng hay sai? Việc phạt tiền em vì không làm giấy cư trú là đúng hay sai? Giữa chủ cho thuê phòng trọ và em thì ai phải chịu trách nhiệm trong trường hợp khai báo tạm trú?

Câu trả lời

1. Trách nhiệm đi làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú quy định: Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Theo quy định này thì bạn là người có trách nhiệm đăng ký nơi tạm trú cho mình. Bạn có thể đến Công an xã, phường, thị trấn để làm thủ tục đăng ký nơi tạm trú cho mình.

Hồ sơ đăng ký tạm trú, bao gồm (theo Điều 16 Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú):

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu.

- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở). Đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

- Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.

- Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc chủ hộ đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định thì phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

2. Về việc phạt tiền bạn do không làm thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú nêu trên thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến nhà trọ, bạn phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn. Trường hợp không đăng ký thì bạn đã vi phạm quy định của pháp luật về cư trú và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 39 Luật Cư trú).

Với hành vi vi phạm hành chính nêu trên, bạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, mức phạt tiền là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (với hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú).

3. Về những việc làm, hành động của công an.

Thứ nhất, về việc công an phường kiểm tra việc tạm trú của bạn:

Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú quy định về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn và việc kiểm tra cư trú thì việc công an phường nơi bạn đang cư trú tiến hành kiểm tra việc tạm trú của bạn là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật về cư trú.

Thứ hai, việc công an kiểm tra và yêu cầu bạn giao nộp giấy tờ tùy thân.

Theo Điều 9 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân thì việc kiểm tra chứng minh nhân dân được quy định như sau:

- Cán bộ, công chức và những người của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình Chứng minh nhân dân trước khi giải quyết công việc.

- Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát Chứng minh nhân dân của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý.

Như vậy, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra vấn đề cư trú của công dân, Công an phường yêu cầu bạn xuất trình giấy chứng minh nhân dân để kiểm tra là đúng quy định.

Về việc tạm giữ chứng minh nhân dân thì khoản 2 Điều 10 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP có quy định như sau: Chứng minh nhân dân của công dân bị tạm giữ trong các trường hợp sau:

- Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân (để ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính);

- Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

Công dân được nhận lại Chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

Vì bạn đã có hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực cư trú nên việc công an thu giữ giấy chứng minh nhân dân của bạn có thể nhằm mục đích đảm bảo việc bạn sẽ chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (nộp tiền phạt). Sau khi bạn thực hiện việc nộp phạt thì công an sẽ trả lại bạn chứng minh nhân dân đã thu giữ.

Thứ ba, việc công an khám xét chỗ ở của bạn và thu giữ tất cả các giấy tờ của bạn.

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Quyền này được khẳng định tại Điều 73 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cũng quy định rõ: Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này (Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Về trình tự, thủ tục khám chỗ ở được quy định tại các Điều 140, Điều 141, Điều 142, Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

* Căn cứ khám chỗ ở (Điều 140 Bộ luật Tố tụng hình sự):

- Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

- Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

* Thẩm quyền ra lệnh khám xét (Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự)

- Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp.

+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

+ Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

+ Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, Lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

- Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

+ Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;

+ Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

* Thủ tục khám (Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự)

- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.

- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể thấy rằng, việc công an xã khám chỗ ở của bạn là sai quy định của pháp luật: không có căn cứ khám xét, không có Lệnh khám xét của người có thẩm quyền... Vậy, bạn có quyền khiếu nại hành vi đó đến cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Thông tư 52/2010/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú

Luật 81/2006/QH11 Cư trú

Hiến pháp Kh&

Trả lời bởi: CTV3