Hưởng tiền hoa hồng từ việc mua sắm cho cơ quan
Câu hỏi
UBND phường Q được một dự án nước ngoài thông qua một cơ quan trung ương tài trợ 30 triệu đồng kinh phí để nâng cấp Tủ sách pháp luật và trang bị cho lãnh đạo chính quyền phường mỗi người một số đầu sách pháp luật. Chủ tịch UBND phường Q đã giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch làm đầu mối trực tiếp thực hiện dự án. Sau khi kết thúc dự án nói trên, cán bộ tư pháp - hộ tịch đã trình Chủ tịch UBND phường bản quyết toán tài chính, trong đó thể hiện rõ: việc mua sách quyết toán theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ là 30 triệu đồng, nhưng thực chi chỉ hết 24 triệu đồng, còn dư 6 triệu đồng là khoản tiền “20% phát hành phí” mà bên bán sách chi riêng cho bên mua sách. Với khoản tiền còn lại này, cán bộ tư pháp - hộ tịch đề xuất chi cho các cá nhân trong UBND phường đã tham gia vào dự án với mức chi như sau:
- Chủ tịch UBND phường được chi 3 triệu đồng;
- Phó Chủ tịch phụ trách tư pháp - nội chính được chi 1 triệu đồng;
- Cán bộ tư pháp - hộ tịch được chi 1 triệu đồng;
- Còn 1 triệu đồng dùng để tổ chức liên hoan.
Ông C, Chủ tịch UBND phường rất phân vân trước đề xuất của cán bộ tư pháp - hộ tịch vì cho rằng đây là khoản hoa hồng, cần phải nộp vào tài khoản của cơ quan và chi theo chế độ chung cho những người đã tham gia dự án, chứ không được tự chia như vậy. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp - hộ tịch cho rằng đây là tiền “phát hành phí” mà người trực tiếp mua sách đương nhiên được hưởng do có công sức tổ chức phát hành sách. Mặt khác, dự án này do nước ngoài tài trợ, không phải tiền từ ngân sách nhà nước và số tiền 6 triệu phát hành phí đã nằm trong khoản kinh phí 30 triệu có đầy đủ chứng từ hợp lệ nên ban quản lý dự án hoàn toàn có quyền được hưởng số tiền này.
Chủ tịch UBND phường có quyết định việc chia số tiền 6 triệu đồng theo phương án đề xuất của cán bộ tư pháp - hộ tịch hay không?
Câu trả lời
Để có quyết định đúng đắn giải quyết tình huống nói trên, Chủ tịch UBND phường Q cần xác định rõ các vấn đề sau đây:
- Khoản kinh phí 30 triệu đồng do dự án nước ngoài tài trợ cho phường có phải là tài sản nhà nước hay không?
- Khoản tiền 6 triệu đồng phát hành phí mà bên bán sách chi trả cho cán bộ tư pháp - hộ tịch có phải là tiền hoa hồng hay không?
- Chế độ quản lý, sử dụng đối với tiền hoa hồng có từ việc sử dụng tài sản nhà nước như thế nào?
Kinh phí tài trợ có phải là tài sản nhà nước hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì “tài sản nhà nước là tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, bao gồm nhà, công trình công cộng, công trình kiến trúc và tài sản khác thuộc sở hữu nhà nước; tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Nhà nước”. Như vậy, trong trường hợp này, khoản tiền 30 triệu đồng mà dự án nước ngoài thông qua sự điều phối của cơ quan trung ương để tài trợ cho UBND phường Q, bởi vậy khoản tiền này được coi là tài sản nhà nước. Do đó, việc quản lý, sử dụng, quyết toán khoản kinh phí này phải thực hiện theo đúng chế độ sử dụng tài sản nhà nước.
Khoản tiền “phát hành phí” do bên bán sách trả có phải là tiền hoa hồng hay không?
Trong hoạt động xuất bản, phát hành sách, chi phí phát hành sách là khoản chi hợp lệ mà bên bán sách được quyền chi trả cho bên mua sách với ý nghĩa là thù lao cho việc phát hành sách. Chi phí phát hành sách được hạch toán vào trong giá thành sách, do đó, trong trường hợp nói trên tổng số tiền mua sách 30 triệu đồng đã bao gồm cả phát hành phí trong đó. Đối với bên mua sách, khoản tiền phát hành phí này sẽ là tiền hoa hồng vì theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì “hoa hồng là khoản tiền mà người mua được khấu trừ hoặc hiện vật, dịch vụ mà người mua được nhận thêm từ người bán khi mua phương tiện, thiết bị, tài sản khác hoặc khi thanh toán dịch vụ”.
Khoản tiền hoa hồng 6 triệu đồng mà bên bán sách trả cho cán bộ tư pháp - hộ tịch (người trực tiếp thực hiện việc mua sách) có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (cán bộ tư pháp - hộ tịch sử dụng kinh phí là tài sản nhà nước để thực hiện giao dịch). Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ nếu được người bán, người cung cấp dịch vụ trả hoa hồng đều phải kê khai và nộp đầy đủ, kịp thời cho cơ quan, tổ chức.
Việc quản lý, sử dụng tiền hoa hồng và trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức vi phạm quy định về kê khai và nộp tiền hoa hồng.
Theo quy định của pháp luật thì khoản tiền hoa hồng phải được nộp vào ngân sách của cơ quan và quản lý, sử dụng cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cơ quan theo chế độ hạch toán công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách. Việc nộp thiếu, nộp chậm hoặc giữ lại các khoản hoa hồng, sử dụng khoản hoa hồng sai mục đích hoặc vi phạm quy định về công khai việc sử dụng các khoản hoa hồng nhận được là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cán bộ, công chức, viên chức khi được giao mua sắm tài sản, hàng hoá và dịch vụ cho cơ quan mà có hành vi vi phạm các điều cấm trên đây sẽ phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Chương II Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Như vậy, trong trường hợp này, Chủ tịch UBND phường Q có trách nhiệm yêu cầu cán bộ tư pháp - hộ tịch nộp khoản tiền phát hành phí 6 triệu đồng vào tài khoản của cơ quan, sau đó căn cứ vào công sức đóng góp của các cá nhân có tham gia vào dự án để thực hiện việc chi thù lao công khai, minh bạch theo đúng định mức, chế độ của Nhà nước, chứ không được giữ lại, tự chia ngầm với nhau như đề xuất của cán bộ tư pháp - hộ tịch.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 84/2006/NĐ-CP Quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Luật 48/2005/QH11 Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Nghị định 68/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí