Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

An ninh Quốc phòng, Trật tự, An toàn xã hội

Khi trên địa bàn xã gia tăng hiện tượng vận chuyển hàng lậu qua đường mòn biên giới

Câu hỏi

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn xã X, một xã thuộc khu vực biên giới phát sinh hiện tượng vận chuyển hàng hoá trái phép theo đường mòn biên giới vào Việt Nam mà không qua cửa khẩu để làm thủ tục hải quan. Những người tham gia vận chuyển hàng hoá này gồm có người Việt Nam và người của nước láng giềng bên kia biên giới. Những người được thuê vận chuyển hàng hoá này thường lợi dụng thời điểm không có Bộ đội biên phòng phía Việt Nam tuần tra biên giới để tranh thủ vận chuyển hàng lậu. Với trách nhiệm quản lý địa bàn, UBND xã X cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

Câu trả lời

Trong vụ việc này, địa bàn xã X đã phát sinh hiện tượng vận chuyển hàng lậu qua biên giới, trốn tránh việc kiểm soát của hải quan cửa khẩu. Đây là thủ đoạn bọn buôn lậu thường lợi dụng để trốn thuế và nhập lậu hàng bất hợp pháp. Hành vi này vi phạm pháp luật về quản lý biên giới, cụ thể là Điều 15 Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định, việc nhập khẩu qua biên giới quốc gia phải được thực hiện tại cửa khẩu. Người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 9 Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền quy định cụ thể: hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật hải quan, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điểm 4 Mục II Thông tư số 181/2005/TT-BQP ngày 17/11/2005 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2005/NĐ-CP, người, phương tiện, hàng hoá khi xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng và các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu biên giới.

Trong trường hợp nêu trên có thể xác định được ngay rằng, đây là các hành vi buôn bán và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (buôn lậu). Với trách nhiệm quản lý địa bàn, UBND xã X cần tổ chức lực lượng lấy Công an xã làm nòng cốt để triển khai các hoạt động sau đây:
Thứ nhất, thông báo ngay tình hình này cho Bộ đội biên phòng đang quản lý khu vực biên giới, đồng thời, thông báo cho cơ quan Hải quan có cửa khẩu biên giới gần nhất để phối hợp và áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc nhập lậu hàng hoá theo đúng chức năng, thẩm quyền của các cơ quan này;

Thứ hai, tổ chức lực lượng thường xuyên theo dõi, phát hiện những đường mòn biên giới thường được sử dụng để vận chuyển hàng hoá, những địa điểm tập kết hàng hoá trong khu vực biên giới, những loại phương tiện được sử dụng để chuyên chở hàng, số lượng người tham gia vận chuyển hàng, thời gian, địa điểm vận chuyển hàng hoá và những vấn đề khác liên quan, thông báo ngay những thông tin này đến cơ quan có thẩm quyền (Công an huyện, thị xã; Đồn biên phòng) để các cơ quan này có kế hoạch xử lý hiệu quả đối với hàng nhập lậu và ngăn chặn việc buôn bán và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới;

Thứ ba, phối hợp, tổ chức lực lượng Dân quân tự vệ, Công an xã thực hiện các yêu cầu của cơ quan Công an cấp trên, Bộ đội biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý đối với những người có hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá nhập lậu qua biên giới; thực hiện việc tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới trong phạm vi xã biên giới, nhất là những nơi có đường mòn biên giới thường được sử dụng để vận chuyển hàng hoá nhập lậu;

Thứ tư, thực hiện việc kiểm tra thường xuyên những quán trọ, nhà trọ, nhà khách về thủ tục đăng ký tạm trú của những người từ nơi khác đến khu vực biên giới. Trong trường hợp họ không có đủ giấy tờ hợp lệ (không có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác do cơ quan Công an cấp), hoặc khi có những nghi vấn về giấy tờ thì chính quyền xã thông báo ngay cho cơ quan Công an cấp trên hoặc Bộ đội biên phòng đang quản lý khu vực biên giới để giải quyết theo pháp luật về cư trú, tạm trú. Trong trường hợp người nước láng giềng vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam không có giấy thông hành xuất, nhập cảnh biên giới thì tạm giữ hành chính họ và giao cho Bộ đội biên phòng xử lý theo pháp luật.

Thứ năm, phát hiện, cảnh báo, giáo dục những người dân đang cư trú tại khu vực biên giới thuộc chính quyền xã quản lý, khi họ có những hành vi dẫn đường, giúp đỡ, tiếp tay cho hành vi buôn bán hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; đề nghị họ thực hiện các yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết vụ việc nêu trên.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 32/2005/NĐ-CP Về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền

Luật 06/2003/QH11 Biên giới quốc gia

Thông tư 181/2005/TT-BQP Về hướng dẫn thực hiện Nghị định 32/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền