Xử lý trường hợp đào ngũ
Câu hỏi
Chị Phạm Thị H, sinh năm 1985, cư trú tại xã P huyện Đ tỉnh Lạng Sơn, nhập ngũ tháng 11. Sau khi nhập ngũ, chị H được điều động về Trung đoàn thông tin Q đang đóng quân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tháng 3, chị H đã tự ý bỏ đơn vị về sống ở nhà người yêu chị - anh N (là người cùng xã) và không trở lại đơn vị. Trung đoàn Q đã 2 lần gửi thông báo về địa phương và gia đình chị H để đề nghị địa phương và gia đình động viên chị H quay trở lại đơn vị. Cán bộ UBND xã P và gia đình chị H đã đến nhà anh N để nhắc nhở và động viên, nhưng chị H vẫn không trở lại đơn vị. Tháng 4/2006, Trung đoàn Q gửi thông báo tới UBND xã P và gia đình chị H về việc cắt quân số đối với chị H, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp xử lý đối với chị H và anh N. UBND xã sẽ giải quyết trường hợp này như thế nào?
Câu trả lời
Phân tích tình huống
Tình huống trên đòi hỏi cán bộ UBND xã cần vận dụng các quy định pháp luật để xem xét: mức độ vi phạm pháp luật của chị H và anh N - người yêu chị H; thẩm quyền ra các quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm của chị H và anh N.
Với tình huống nói trên, cán bộ UBND xã cần vận dụng các văn bản pháp luật sau đây để xử lý: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994, 2005, sau đây gọi là Luật Nghĩa vụ quân sự); Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng (sau đây gọi là Nghị định số 151/2003/NĐ- CP); Thông tư số 29/2004/TT-BQP ngày 08/3/2004 của Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng (sau đây gọi là Thông tư số 29/2004/TT-BQP).
Theo Điều 11 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP và Điều 3 Mục II Thông tư số 29/2004/TT-BQP, hành vi đào ngũ là tự ý rời bỏ hàng ngũ quân đội với mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ. Biểu hiện của hành vi này là tự ý đi khỏi đơn vị hoặc trong lúc đi công tác, đi phép, đi chữa bệnh, an dưỡng, chuyển đơn vị sau đó không về đơn vị đúng thời gian quy định. Người chỉ huy đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương khi đã có căn cứ xác định quân nhân đào ngũ phải kịp thời ra văn bản thông báo quân nhân đào ngũ, trong đó ghi rõ đơn vị đã cắt quân số. Như vậy, hành vi của chị H được xác định là hành vi đào ngũ. Cũng theo các quy định trên thì anh N đã có hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ vì đã để quân nhân đào ngũ lẩn trốn ở nhà mà không khai báo với người hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại các điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 11 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, thì Chủ tịch UBND các cấp có quyền xử phạt đối với hành vi đào ngũ của chị H. Theo đó, hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng với những trường hợp vi phạm nhưng trong diện tạm hoãn gọi nhập ngũ mà trước đây họ tình nguyện nhập ngũ, hoặc là thương binh có hạng, hoặc là người đã liên tục phục vụ trong quân đội vượt niên hạn phục vụ theo Luật Nghĩa vụ quân sự, hoặc là nữ quân nhân. Như vậy trong trường hợp này, chị H sẽ phải chịu hình thức xử lý vi phạm hành chính là phạt cảnh cáo.
Đối với anh N - người yêu của chị Hoa, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, việc anh N để quân nhân đào ngũ trốn ở nhà mình mà không khai báo với người hoặc cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật về làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ và sẽ bị cơ quan chức năng tiến hành xử lý về hành chính (phạt tiền).
Về thẩm quyền giải quyết
Xã đội trưởng - Phó Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã và Công an xã P lập biên bản về hành vi đào ngũ của chị H, về hành vi cố tình bao che người vi phạm và không thông báo với cơ quan chức năng của anh N - người yêu chị H và kiến nghị với Chủ tịch UBND xã P ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Thời điểm xác định hành vi vi phạm để xử phạt là khi UBND xã nơi chị H cư trú và cơ quan quân sự cấp huyện nhận được giấy thông báo quân nhân đào ngũ và cắt quân số của chỉ huy đơn vị quân đội là Trung đoàn Q nơi chị H đang tại ngũ. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, chấp hành quyết định xử phạt, đình chỉ hành vi vi phạm và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt thực hiện theo Điều 45 và Điều 46 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP.Theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP được áp dụng để xử phạt hành vi chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ của anh N. Theo đó, anh N bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong trường hợp này, Xã đội trưởng và Công an xã P lập biên bản nêu rõ sự việc và kiến nghị với Chủ tịch UBND xã xử phạt theo thẩm quyền.
Các văn bản liên quan:
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự
Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định 151/2003/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự
Luật Nghĩa vụ quân sự
Luật 43/2005/QH11 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự