Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

An ninh Quốc phòng, Trật tự, An toàn xã hội

Xử lý hành vi vận chuyển, tiêu thụ tiền giả

Câu hỏi

Công an thị trấn T thuộc một tỉnh biên giới nhận được tin báo của quần chúng về việc có hai người đàn ông Việt Nam lạ mặt đang trọ tại một nhà trọ gạ bán tiền. Đối với đồng tiền có mệnh giá 100.000 đồng họ bán với giá 50.000 đồng. Ai có nhu cầu mua bao nhiêu cũng có. Nhận định đây có thể là vụ tiêu thụ tiền giả, Công an thị trấn đã tổ chức kiểm tra hành chính, tiếp cận với hai đối tượng ngay tại nhà trọ và phát hiện được họ mang trong người 2.000 tờ tiền có mệnh giá 100.000 đồng (tổng số trị giá 20 triệu đồng Việt Nam). Qua xác minh nhân thân thì thấy hai người này có Giấy chứng minh nhân dân cư trú ở một tỉnh khác. Hai đối tượng này nhất quyết khẳng định đây là tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Công an xã phải xử lý tình huống này như thế nào?

Câu trả lời

Điều 29 Luật Ngân hàng 1997 quy định, nghiêm cấm các hành vi làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Đồng thời Điều 180 Bộ luật Hình sự 1999 cũng quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Bất kỳ người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì có thể bị phạt tù đến chung thân, tử hình và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Do đó, vấn đề mấu chốt để có thể xử lý trách nhiệm pháp lý của hai đối tượng này là phải xác định số lượng tiền họ mang theo người là tiền thật như khẳng định của họ hay là tiền giả.

Để xác định số lượng tiền trên có phải là tiền giả hay tiền thật đòi hỏi phải có kết luận của cơ quan chuyên môn. Do vậy trong trường hợp này, Công an thị trấn cần làm những việc sau đây:

Thứ nhất, giải thích cho hai người đàn ông biết rằng, họ có nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc hai người đàn ông này đang gạ bán tiền có mệnh giá 100.000 đồng bán với giá 50.000 đồng. Đây là cơ sở cho phép nghi vấn về hành vi của họ. Bởi vậy, mặc dù họ có đủ giấy tờ tuỳ thân hợp lệ và số lượng tiền 20 triệu trên chưa xác định được đó là tiền giả hay tiền thật nhưng Công an xã vẫn có quyền đề nghị họ về trụ sở Công an thị trấn để giải quyết, làm rõ vụ việc. Nếu đối tượng không tự nguyện chấp hành thì lực lượng đang thi hành nhiệm vụ có thể sử dụng áp lực chính quyền buộc họ phải về.

Thứ hai, tại trụ sở Công an thị trấn cần yêu cầu đối tượng khai báo chi tiết các thông tin về nhân thân (họ tên, địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp), số lượng tiền họ đang giữ trong người và ghi trong sổ trực ban của thị trấn về việc họ bị nghi tiêu thụ tiền giả theo sự tố cáo của quần chúng nhân dân địa phương (ghi rõ họ và tên, địa chỉ của người tố cáo). Đề nghị đối tượng lưu lại trụ sở Công an thị trấn chờ cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết.

Thứ ba, khẩn trương thông báo ngay vụ việc và những nghi vấn ban đầu cho cơ quan Công an cấp huyện, thị xã hoặc Bộ đội biên phòng, Đồn biên phòng nơi gần nhất đến giải quyết vụ việc liên quan đến hai người bị nhân dân tố cáo nghi họ có hành vi tiêu thụ tiền giả tại địa phương.

Thứ tư, trong trường hợp có cơ sở khẳng định số tiền trên là tiền giả hoặc các đối tượng thú nhận số lượng tiền trên là tiền giả, họ mua lại từ bên kia biên giới thì Công an thị trấn lập biên bản phạm pháp quả tang về hành vi vận chuyển, lưu hành tiền giả cùng tang vật. Sau đó đề nghị Chủ tịch UBND thị trấn ban hành quyết định tạm giữ hành chính đối với họ; thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Bộ đội biên phòng để giải quyết vụ việc theo pháp luật.

 

 

Các văn bản liên quan:

Luật 01/1997/QH10 Ngân hàng Nhà nước

Bộ Luật 15/1999/QH10 Hình sự