Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

An ninh Quốc phòng, Trật tự, An toàn xã hội

Xử lý khi trên địa bàn xã xảy ra xung đột giữa nhân dân địa phương và công dân nước láng giềng

Câu hỏi

Trực ban Công an xã nhận được tin báo tại khu chợ biên giới nằm trên địa bàn xã, cách đường biên giới 50 mét đang xảy ra xung đột giữa những người dân địa phương và công dân nước láng giềng. Chính quyền xã tổ chức lực lượng Công an và Dân quân tự vệ xuống ngay hiện trường thì nắm được tình hình như sau: sáng hôm đó, một đoàn khoảng vài chục người là công dân nước láng giềng, cư trú ở xã giáp biên giới Việt Nam đi qua đường mòn biên giới đến chợ. Cứ thấy người dân Việt Nam buôn bán thì nhóm người này xông vào đập phá hàng hoá và đuổi người dân Việt Nam ra khỏi khu vực chợ với lý do đây là vùng đất của nước láng giềng. Chính quyền xã phải làm gì trong tình huống này?

Câu trả lời

Đây là vụ việc phức tạp, có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến an ninh biên giới và sự ổn định chính trị của khu vực biên giới. Phương châm, đường lối để giải quyết các xung đột ở khu vực biên giới được quy định tại Điều 11 Luật Biên giới quốc gia 2003 là: giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Đồng thời, Điều 17 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia có quy định, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới nhằm bảo đảm sự bất khả xâm phạm biên giới quốc gia, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng. Điều 18 Nghị định này cũng quy định, việc giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ liên quan đến nước láng giềng thông qua đàm phán theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.

Trong trường hợp này, khi phát hiện vụ việc, trong lúc các cơ quan có thẩm quyền chưa được thông báo và áp dụng các biện pháp giải quyết theo thẩm quyền thì chính quyền xã, với trách nhiệm quản lý địa bàn cần phải áp dụng ngay những biện pháp để tránh xung đột. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức lực lượng ngăn chặn ngay việc người dân của nước láng giềng đập phá hàng hoá và đuổi người dân Việt Nam ra khỏi khu vực chợ. Cần lưu ý là tránh việc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn;

Thứ hai, giải thích cho nhân dân của mình và công dân nước láng giềng về nghĩa vụ tôn trọng biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng theo Hiệp định biên giới giữa hai nước; đồng thời giải thích cho họ biết là việc giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia phải thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, pháp luật của cả hai quốc gia đều nghiêm cấm mọi hành vi quá khích, gây nên những xô xát giữa những người dân hai nước mà có thể dẫn đến những thiệt hại không cần thiết cho cả hai phía;

Thứ ba, thông báo ngay cho Bộ đội biên phòng quản lý địa bàn và chính quyền cấp trên về sự việc xảy ra để các cơ quan này có phương án giải quyết theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật về an ninh biên giới; đồng thời có kế hoạch lâu dài để đối phó, ngăn ngừa sự tái diễn trường hợp tương tự;

Thứ tư, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh về những việc làm sai trái của người dân nước láng giềng, cùng Bộ đội biên phòng đàm phán với chính quyền địa phương nước láng giềng, giải quyết vụ việc bằng con đường hoà bình.

 

Các văn bản liên quan:

Luật 06/2003/QH11 Biên giới quốc gia

Nghị định 140/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia