Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

An ninh Quốc phòng, Trật tự, An toàn xã hội

Xử lý việc mua bán, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

Câu hỏi

Trước hiện tượng dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái bùng phát, Công an xã X, một xã giáp biên giới, được chỉ đạo tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, nhập lậu gà qua biên giới. Nhận được tin báo qua điện thoại của cơ sở quần chúng, Công an xã đã nhanh chóng phục kích tại đường mòn thuộc địa bàn thôn K và bắt quả tang hai người đàn ông mang vác gà Trung Quốc từ bên kia biên giới theo đường mòn về tập kết tại một nhà bạt dựng tạm trong khu vực biên giới, có người nhận và giao cho các đối tượng khác vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ. Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng kiểm tra xác định số gà có giá trị khoảng gần 500.000 đồng, toàn bộ là gà nhập lậu, không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Ba người dân vận chuyển và nhận hàng đều là người dân sở tại. Công an xã nên giải quyết trường hợp này như thế nào?

Câu trả lời

Vụ việc nói trên đang là vấn đề xảy ra phổ biến hiện nay ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Gia cầm là mặt hàng thuộc đối tượng phải chịu kiểm dịch trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo quy định tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch. Do đó, trước tiên cần xác định số gà mà lực lượng Công an xã bắt giữ được là hàng hoá thuộc diện cấm nhập khẩu. Hành vi vận chuyển hàng hoá thuộc diện này qua biên giới là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong tình huống này, hành vi vận chuyển qua biên giới gia cầm cấm nhập khẩu của các đối tượng đã vi phạm khoản 4
Điều 15 Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/04/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Mức phạt tiền có thể áp dụng là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Thẩm quyền giải quyết

Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP nêu trên thì việc xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong tình huống này thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, trong tình hình phòng chống cúm gia cầm đang là nhiệm vụ cấp bách thì hành vi buôn lậu gà qua biên giới có tính chất nguy hiểm, cần xử lý nghiêm khắc. Mặt khác, việc xử lý tình huống này còn liên quan đến công tác tiêu huỷ tang vật, phòng chống dịch nên Công an xã, cơ quan phát hiện và thụ lý vụ việc đầu tiên cần báo cáo và chuyển giao vụ việc lên Uỷ ban nhân dân cấp xã để cơ quan này xử lý theo thẩm quyền.

Trách nhiệm của Công an xã trong giải quyết vụ việc:

- Lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính riêng đối với từng người theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/04/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

- Trưởng Công an xã quyết định tạm giữ số gà tang vật;

- Khẩn trương báo cáo vụ việc và chuyển giao biên bản cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt;

- Thông tin về vụ việc cho cơ quan thú y để có hướng xử lý đối với số gà nhập lậu, ngăn ngừa việc lây nhiễm dịch bệnh.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 32/2005/NĐ-CP Về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền

Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 40/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Quyết định 45/2005/QĐ-BNN Về việc ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch