Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Xuất Nhập Khẩu

Theo quy định của Thông tư 128/2013/TT-BTC kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan gồm các nội dung gì

Câu hỏi

Theo quy định của Thông tư 128/2013/TT-BTC kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan gồm các nội dung gì?

Câu trả lời

Theo khoản 2 Điều 16 nội dung kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan gồm:

a) Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hoá theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Kiểm tra về lượng hàng hoá:

Đối với những mặt hàng mà bằng phương pháp thủ công hoặc thiết bị của cơ quan hải quan không xác định được lượng hàng (như hàng lỏng, hàng rời, lô hàng có lượng hàng lớn...) thì cơ quan hải quan căn cứ vào kết quả giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định (dưới đây gọi tắt là thương nhân giám định) để xác định.

c) Kiểm tra chất lượng hàng hóa:

c.1) Trường hợp bằng phương tiện và thiết bị của mình, cơ quan hải quan không xác định được chất lượng hàng hoá để thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thì yêu cầu người khai hải quan lấy mẫu hoặc cung cấp tài liệu kỹ thuật (catalogue…), thống nhất lựa chọn thương nhân giám định thực hiện giám định. Kết luận của thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện.

c.2) Trường hợp người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn thương nhân giám định thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định (đối với trường hợp tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra có văn bản từ chối). Kết luận của tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.

d) Kiểm tra giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu:

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hải quan đăng ký tờ khai và làm thủ tục hải quan căn cứ vào Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước.

đ) Đối với hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là kiểm tra chuyên ngành): Cơ quan hải quan căn cứ giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết luận lô hàng đạt yêu cầu xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để làm thủ tục hải quan.

e) Kiểm tra xuất xứ hàng hoá căn cứ vào thực tế hàng hoá, hồ sơ hải quan, những thông tin có liên quan đến hàng hoá và quy định tại Điều 15 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn có liên quan:

e.1) Trường hợp xuất xứ thực tế của hàng hoá nhập khẩu khác với xuất xứ khai báo của người khai hải quan, nhưng vẫn thuộc nước, vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc với Việt Nam thì cơ quan hải quan vẫn áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định, nhưng sẽ tuỳ tính chất, mức độ vi phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật;

e.2) Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hoá, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp thêm các chứng từ để chứng minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hoá không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được thông quan theo thủ tục hải quan thông thường;

e.3) Trường hợp người khai hải quan nộp giấy chứng nhận xuất xứ cấp cho cả lô hàng nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng thì cơ quan hải quan chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ đó đối với phần hàng hoá thực nhập.

e.4) Trường hợp sau khi thông quan/giải phóng hàng/đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan nộp bổ sung giấy chứng nhận xuất xứ đề nghị tính lại thuế, nếu được Lãnh đạo Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai chấp nhận thì người khai hải quan tự kê khai, tính lại thuế theo mẫu văn bản sửa chữa, khai bổ sung (mẫu số 10/KBS/2013 Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 128/2013/TT-BTC).

e.5) Kiểm tra việc áp dụng văn bản xác định trước xuất xứ đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.

g) Kiểm tra thuế, bao gồm các nội dung:      

g.1) Kiểm tra điều kiện để áp dụng biện pháp cưỡng chế, thời hạn nộp thuế theo quy định;

g.2) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

g.3) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế;

g.4) Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp, việc tính toán số tiền thuế phải nộp trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d nêu trên, kết quả kiểm tra, xác định trị giá tính thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các căn cứ khác có liên quan.

g.5) Kiểm tra việc áp dụng văn bản xác định trước mã số, xác định trước trị giá hải quan đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.

h) Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập không thực hiện việc niêm phong hải quan khi kiểm tra hải quan, công chức hải quan mô tả cụ thể tên hàng, số lượng, chủng loại, ký mã hiệu, xuất xứ (nếu có) trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc chụp ảnh nguyên trạng hàng hóa lưu cùng hồ sơ hải quan. Khi làm thủ tục tái xuất, tái nhập, công chức hải quan kiểm tra hàng hóa, đối chiếu với  mô tả hàng hóa trên bộ hồ sơ hải quan tạm nhập, tạm xuất (do cơ quan hải quan lưu) và xác nhận hàng hóa tái xuất, tái nhập đúng với hàng hóa đã tạm nhập, tạm xuất.

Các câu hỏi khác