Thành lập công ty chuyên về định giá đấu giá và thanh lý tài sản
Câu hỏi
Tôi muốn thành lập 1 công ty chuyên về định giá, đấu giá và thanh lý tài sản thì cần những thủ tục và điều kiện gì?
Câu trả lời
Về trường hợp của bạn hỏi, chúng tôi xin đính chính cụm từ "Thanh lý tài sản", hiện nay theo quy định của pháp luật "thanh lý tài sản" không được quy định là một ngành nghề kinh doanh mà chỉ là hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, không có điều kiện áp dụng cho trường hợp này khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đặt tên doanh nghiệp, bạn có thể để cụm từ “thanh lý tài sản” như yếu tố riêng của doanh nghiệp bên cạnh cụm từ “định giá, đấu giá”
Do bạn không thể hiện rõ mong muốn thành lập công ty chuyên về định giá, đấu giá và thanh lý tài sản dưới mô hình doanh nghiệp nào. Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra tư vấn dưới đây để bạn tham khảo và áp dụng vào trường hợp của mình:
A/ Về điều kiện thành lập
Ngoài các điều kiện thành lập doanh nghiệp phù hợp với mô hình bạn lựa chọn (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh) theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 quy định; khi bạn muốn thành lập 1 công ty có chức năng định giá, đấu giá và thanh lý tài sản cần đáp ứng các điều kiện:
1/ Lĩnh vực định giá tài sản:
Theo khoản 2, Mục IV, Thông tư 17/2006/TT-BTC ngày 13/03/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về Thẩm định giá có quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá: “2.1. Ngoài các điều kiện về thành lập, hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp thẩm định giá phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Có từ 3 thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá còn giá trị hành nghề trở lên, trong đó người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá.
Chủ doanh nghiệp tư nhân thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá; một thẩm định viên về giá chỉ được làm chủ một doanh nghiệp thẩm định giá tư nhân.
Thành viên hợp danh của công ty thẩm định giá hợp danh phải là thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá; một thẩm định viên về giá có thẻ thẩm định viên về giá chỉ được làm một thành viên hợp danh của một công ty thẩm định giá hợp danh.
- Có đăng ký cung cấp hoạt động tư vấn thẩm định giá, các hoạt động có chức năng thẩm định giá với cơ quan đăng ký kinh doanh
2.2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá phải thông báo bằng văn bản với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) về việc thành lập doanh nghiệp thẩm định giá và danh sách thẩm định viên đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.
2.3. Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải thường xuyên đảm bảo có đủ điều kiện quy định tại điểm 2.1 nêu trên ...”.
2/ Lĩnh vực đấu giá tài sản
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 16, Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản: “2. Ngoài các điều kiện về thành lập, hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên;
b) Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính”.
B/ Về thủ tục thành lập doanh nghiệp
1/ Hồ sơ đăng ký kinh doanh
Hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ tương ứng với loại hình doanh nghiệp bạn sẽ lựa chọn áp dụng. Bạn có thể tham khảo các loại giấy tờ trong hồ sơ tại các Điều 16 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, Điều 17 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty hợp danh, Điều 18 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn, điều 19 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2005.
2/ Trình tự đăng ký kinh doanh, theo quy định tại Điều 15, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:
“1. Người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh;
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật này.
4. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.”